Ông Vương sinh ra và lớn lên ở xã Hữu Vị, tỉnh Nội Mông (Trung Quốc), trong một gia đình làm nông nghèo khó. Vào những năm 1970, công việc của người đàn ông này là nhặt nhạnh đồ dùng, phế liệu trong những khu dân cư để đem bán lấy tiền.
Trong một lần đang đi làm, ông Vương dùng chiếc xẻng nhỏ trên tay để bới đồ đạc trong đống rác được người dân vứt đi. Bới một hồi, ông lão phát hiện nhiều đồ vật bằng kim loại sáng loáng nằm cạnh nhau. Đặc biệt, ông phát hiện một vật gì đó có phát ra ánh vàng và có kích cỡ nặng khoảng 5kg. Nghĩ đó là vàng, ông Vương vội nhặt cho vào túi rồi mang ngay về nhà.
Về đến nhà, ông lão mang món đồ vừa nhặt được đi rửa sạch. Sau lớp đất bẩn là lớp vàng sáng loáng, bên trên còn có một số ký tự hoa văn và hình vẽ giống như rồng và chim. Lúc này, ông Vương nghĩ rằng bản thân nhặt được vàng nhưng vẫn chưa dám chắc chắn. Vì vậy, ông quyết định mang món đồ vừa nhặt được đến ngân hàng để xác thực.
Tại ngân hàng, các nhân viên xác nhận món đồ này là vàng. Tuy nhiên, do cục vàng này có chứa nhiều tạp chất nên ngân hàng từ chối mua. Sau khi thương lượng và đưa ra phương án cho ông lão, ông Vương đồng ý cho nhân viên ngân hàng hỗ trợ nung chảy cục vàng nhặt được và bán với mức giá 1200 NDT (khoảng 4 triệu đồng). Vào thời điểm những năm 1970, 4 triệu đồng là số tiền rất lớn, có thể coi là một gia tài đối với ông lão nghèo này. Do đó, sau khi nhận được số tiền ''trên trời rơi xuống'', ông Vương không khỏi vui mừng và kể lại chuyện với hàng xóm xung quanh.
Thông tin ông lão già nhặt được vàng được lan truyền rộng rãi, cuối cùng tin tức đến tai các chuyên gia văn hóa lịch sử. Họ nghi ngờ rằng cục vàng mà ông Vương mang bán có thể là một di vật lịch sử nào đó nên đã chủ động tìm đến. Dựa trên mô tả của ông lão, các chuyên gia kết luận rằng cục vàng mà ông nhặt được có thể là một di vật nào đó của người Hung cổ đại và có niên đại hàng nghìn năm. Ước tính giá trị thật của món đồ đó có thể lên đến 200 triệu NDT (khoảng 690 tỷ đồng). Đáng tiếc là món đồ này đã bị ông lão mang đi nung chảy trước đó.
Việc di vật bị nung chảy khiến các cơ quan chức năng của Trung Quốc lúc bấy giờ lo lắng rằng nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, thì có thể gây ra tổn thất khôn lường đối với ngành khảo cổ học cũng như sử học của đất nước. Vì vậy, từ ngày 19/11/1982, Trung Quốc đã ban hành điều luật mới, đó là "Luật bảo vệ di tích văn hóa của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa". Trong đó quy định rõ ràng rằng tất cả các di tích văn hóa được tìm thấy dưới lòng đất, trong vùng nội thủy, và lãnh hải, lãnh thổ của Trung Quốc đều thuộc sở hữu của nhà nước này.
Theo Toutiao