- Mãng cầu gai ghép gốc bình bát giúp nông dân Sóc Trăng thu lãi 900 triệu đồng/năm.
- Cây mãng cầu gai gốc ghép bình bát dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư không nhiều.
Ông Lê Bảo Xiêng (thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) từng trồng tre, trúc, tràm… Tuy nhiên, những cây này phải trồng tận 4 năm mới có thể thu hoạch nhưng giá trị kinh tế không đáng kể.
"Với diện tích trồng gần 1ha nhưng chỉ có thu nhập 15 - 20 triệu đồng/4 năm nên đời sống kinh tế gia đình lúc đó rất khó khăn, phải xoay xở tiền mua gạo hằng tháng. Tuy nhiên, đời sống gia đình tôi sung túc hơn kể từ khi trồng và thu nhập từ mãng cầu gai", ông Xiêng nói với Báo Sóc Trăng.
Khoảng 12 năm trước, ông Xiêng dọn dẹp cây tạp để bắt đầu trồng cây mãng cầu gai. Chừng hai năm sau, việc xuống giống mãng cầu trên diện tích đất gần 1ha mới hoàn thành.
Theo ông Xiêng, do là mãng cầu gốc ghép bình bát nên ông chỉ việc đi tìm cây bình bát dại ngoài tự nhiên về trồng, đợi cây cao khoảng 1 mét thì tiến hành ghép chồi mãng cầu gai vào cây bình bát và chăm sóc cây như bình thường.
"Sau 3 năm trồng kể luôn thời gian ghép cây thì mãng cầu bắt đầu cho trái. Giai đoạn đầu, cây còn nhỏ, năng suất chưa cao, đến năm thứ 5 thì năng suất trái ổn định. Hiện tại, với diện tích vườn gần 1ha, sản lượng trái thu về hơn 40 tấn/năm, giá bán dao động từ 22.000 - 58.000 đồng/kg, có thời điểm giá lên đến hơn 100.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận hơn 900 triệu đồng/năm", ông Lê Bảo Xiêng nói.
Ngoài ra, ông Xiêng còn dùng trái chế biến trà mãng cầu và mứt mãng cầu. Trà mãng cầu cung ứng ra thị trường từ 100kg/tháng; mứt xuất bán tầm 10 - 30kg/tháng, trà và mứt mãng cầu bán cho khách hàng trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Sản phẩm trà mãng cầu do ông Bảo Xiêng sản xuất đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Sóc Trăng năm 2023.
Ông Lưu Tấn Hòa - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Ngã Năm cho biết: "Cây mãng cầu gai gốc ghép bình bát dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư không nhiều, chủ yếu là hộ dân tự tạo giống cây để trồng trong vườn nhà. Diện tích mãng cầu gai toàn thị xã là 248ha/130 hộ trồng. Mãng cầu gai được trồng tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Quới, với diện tích khoảng 240ha, tại đây có 2 hợp tác xã trồng mãng cầu gai. Nhiều hộ trong hợp tác xã đã sản xuất trà mãng cầu, mứt mãng cầu, sản phẩm rất được thị trường ưa chuộng".
Trồng mãng cầu gai ghép gốc bình bát thế nào?
Theo trang website của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, mãng cầu xiêm ghép trên gốc cây bình bát đang được nhiều bà con lựa chọn vì gốc cây bình bát có khả năng chịu đựng được môi trường ngập úng, mặn nhất là chịu phèn rất tốt.
Mãng cầu xiêm được ghép trên gốc cây bình bát tiếp hợp sinh trưởng, kết trái rất tốt, năng suất cao mà không cần phải chăm sóc nhiều. Vì thế, đối với vùng đất nhiễm phèn, mặn có thể đây là hướng sản xuất thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Sau khi trồng gốc bình bát 12-18 tháng, có thể tiến hành ghép. Hiện nay, cách ghép mắt, ghép cửa sổ vẫn là phổ biến và dễ thực hiện nhất. Khi ghép mắt chỉ sử dụng một mắt ở cành ghép cùng với một mảnh vỏ trên có mắt, tốt nhất nên sử dụng gốc ghép và cây lấy mắt ghép đang trong giai đoạn sinh trưởng mạnh.
Tuyển chọn mắt ghép kỹ (chọn nhánh lấy mắt ghép phải có đỉnh sinh trưởng đều). Tiến hành bóc một mảnh vỏ ở gốc ghép, kích thước đúng bằng mảnh vỏ mang mắt ghép (độ dài 3-4cm, chiều ngang 2 cm), lấy dao rạch hai đường dọc bằng chiều ngang mắt ghép.
Cắt một nhát ngang phía dưới và nạy vỏ cắt ngắn chỉ để lại lưỡi khoảng 1cm, áp mảnh vỏ mang mắt ở cành ghép vào rồi buộc chặt. Sau khi ghép mắt, cần phải che đậy kỹ để không cho nước vào, vì tầng sinh gỗ rất dễ chết do vậy khi bóc xong phải ghép ngay không sờ tay vào và không được làm bẩn. Tốt nhất nên tiến hành ghép vào đầu mùa mưa vì cây đủ nước và dễ hút chất dinh dưỡng trong đất.