Một Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) của Mỹ khai hỏa. Ảnh: RT
Hãng tin RT dẫn lại bản tin của tờ Nhật báo Phố Uôn cho biết Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho rằng các vũ khí tầm xa hơn sẽ khiến Nga phải thấy rõ “cái giá” của cuộc xung đột hiện nay.
Theo nguồn tin này, mong muốn mới nhất của Ukraine là được Mỹ cung cấp các tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm xa hơn. Trước đây, Washington đã từ chối chuyển các vũ khí như vậy cho chính quyền Kiev do lo ngại leo thang xung đột với Moskva.
Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) có thể được bắn bằng các hệ thống rốc-két đa nòng mà quân đội Ukraine hiện có như M142 HIMARS và M270 MLRS. Tuy nhiên, so với đạn thông thường của những hệ thống vũ khí này, ATACMS có tầm bắn xa hơn đáng kể, lên tới khoảng 300 km.
Nhật báo Phố Uôn cho hay ATACMS là một trong 29 loại vũ khí-khí tài mà chính quyền Kiev đang thuyết phục Mỹ cung cấp để sử dụng trong cuộc chiến với Nga. Danh sách vũ khí này, cũng được gửi tới các nghị sĩ Mỹ, còn bao gồm xe tăng, máy bay không người lái, các hệ thống pháo, tên lửa diệt hạm Harpoon và 2.000 đạn rốc-két thông thường cho các hệ thống pháo phản lực đa nòng HIMARS/MLRS.
Giới chức Ukraine lâu nay vẫn kêu gọi Mỹ cung cấp cho Kiev các loại vũ khí tầm xa, trong đó có ATACMS. Loại tên lửa mặt đất này xuất hiện trong một bài viết về chiến lược quân sự quan trọng do Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine Valeriy Zaluzhny làm đồng tác giả và được đăng tải trên phương tiện truyền thông nước này hồi tuần trước. Một trong những nội dung chính của bài viết là Ukraine cần có các vũ khí tầm xa hơn để tác động tới chính sách của Nga, bằng việc gây áp lực đối với người dân Nga.
Cả Washington và Kiev trước đây đều cho hay Mỹ đặt điều kiện trong vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine. Đó là Ukraine không được sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga. Washington không cung cấp các loại vũ khí tầm xa vì quan ngại Moskva coi đó là hành động leo thang nguy hiểm, có nguy cơ kéo tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can dự trực tiếp vào cuộc xung đột.
Ngay tại Mỹ, vấn đề viện trợ vũ khí cho Chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đang gây chia rẽ. Trong khi một số thượng nghị sĩ Mỹ muốn gửi tên lửa tầm xa cho lực lượng Ukraine, không ít người lại muốn xem xét kế hoạch quân sự của Kiev trước vì lo ngại kho dự trữ vũ khí của Lầu Năm Góc sắp cạn kiệt.
Cho đến nay, Lầu Năm Góc đã gửi cho Ukraine 16 hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS), cùng với tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS) có tầm bắn khoảng 70 km. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Florida Marco Rubio lo ngại Mỹ không có nhiều hệ thống ATACMS vì là hệ thống cần nhiều thời gian để sản xuất. Lầu Năm Góc hiện có khoảng 1.000 - 3.000 tên lửa loại này.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Nevada Jacky Rosen cho biết bà muốn xem xét các kế hoạch chiến lược của Ukraine trước khi cân nhắc các yêu cầu cung cấp đạn tầm xa hơn. “Chúng ta phải xem xét kế hoạch chiến lược của họ là gì. Những gì chúng ta phải làm, những gì Ukraine phải làm và những gì chúng ta đang hợp tác với họ là phát triển một kế hoạch chiến lược và cố gắng đảm bảo chúng ta sẽ cung cấp cho họ sự hỗ trợ phù hợp mà họ cần để thực hiện kế hoạch đó”, bà Rosen nói.
Hồi tháng 6, tờ New York Times đưa tin Kiev đang giấu Washington về chiến lược của mình. Tuần trước, một tướng hàng đầu của Ukraine đã tiết lộ quân đội Mỹ đã tham gia hướng dẫn các cuộc không kích bằng HIMARS.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này ngày 8/9 đã thông qua khoản vay và viện trợ tiếp theo trị giá 2 tỷ USD cho Ukraine và các nước láng giềng để mua sắm thiết bị quân sự Mỹ. Khoản hỗ trợ mới này nằm trong chương trình Tài trợ quân sự nước ngoài (FMF) bên cạnh khoản viện trợ trực tiếp mới trị giá 675 triệu USD cho Ukraine được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin công bố cùng ngày. Với các khoản viện trợ mới trên, tổng số tiền mà Mỹ hỗ trợ an ninh cho Ukraine đã lên đến 15,2 tỷ USD kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi tháng 1/2021.