Mùa hè của những bóng hồng
Cách đây một thế hệ, rất nhiều người sẽ cười nhạo trước quan điểm cho rằng một phụ nữ mang trong mình nửa dòng máu Nhật, nửa dòng máu Đài Loan, có thể làm chủ tịch Đảng đối lập của Nhật Bản.
Dẫu gì xã hội Nhật cũng nổi tiếng là nam quyền và thuần nhất, đặc biệt xem trọng dòng máu Nhật Bản.
Thế nhưng, tháng 9 vừa qua, Renho Murata đã trở thành người phụ nữ đầu tiên, và cũng là người đầu tiên mang hai dòng máu giành vị trí lãnh đạo Đảng Dân chủ, với chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử.
Thực ra, sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận đã giúp Murata bảo toàn được vị trí ứng viên của mình sau khi quyền công dân của bà bị mổ xẻ.
Truyền thông cánh hữu của Nhật Bản đã tiết lộ thông tin Murata vẫn giữ hộ chiếu Đài Loan (điều này là trái luật) dù bà được cho là đã tự nguyện hủy bỏ năm 17 tuổi.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Kyodo News, có tới 66,5% người được hỏi cho rằng quốc tịch "không phải là vấn đề".
Trước khi bước chân vào chính trường, Murata đã có một sự nghiệp báo chí khá xuất sắc. Bà nhận được sự ái mộ rộng rãi nhờ quan điểm chống quan liêu. "Thế 4 tỉ yen đó đã đi đâu?", bà từng chất vấn một quan chức trên sóng truyền hình về vấn đề lãng phí của công thẳng thừng như vậy.
Chiến thắng của Murata đã đánh dấu một giai đoạn đáng chú ý khi trong lịch sử Nhật Bản, thời điểm mà Tokyo lần đầu tiên có một nữ Thống đốc và Nhật Bản thì có một nữ Bộ trưởng Quốc phòng.
Mùa hè năm nay cũng là dấu mốc cho những người Nhật lai - được gọi bằng cụm từ "haafu", có nghĩa là "một nửa".
Vào tháng 9, Priyanka Yoshikawa, một phụ nữ Nhật gốc Ấn đã giành vương miện Hoa hậu Nhật Bản, chỉ một năm sau khi Ariana Miyamoto, người Nhật lai Mỹ - Phi được chọn để đại diện Nhật Bản tham gia Hoa hậu Hoàn vũ.
Đây là những minh chứng cho thấy nhiều người Nhật đã chấp nhận để những người phụ nữ ấy trở thành gương mặt đại diện cho Nhật Bản.
Ariana Miyamoto đại diện Nhật Bản tham gia Hoa hậu Hoàn vũ.
"Những thập kỷ đã mất"
Nhật Bản đã gọi 20 năm qua là "những thập kỷ đã mất" bởi nước này rơi vào tình trạng kinh tế trì trệ. Sự chênh lệch về mức lương giữa nam và nữ khiến phụ nữ Nhật không muốn xây dựng sự nghiệp sau hôn nhân. Đặc biệt là khi họ phải chịu một áp lực vô hình của xã hội về trách nhiệm làm mẹ.
Số người trưởng thành trong độ tuổi lao động ngày càng ít nhưng lại phải hỗ trợ cho số người cao tuổi đang ngày càng gia tăng. Thực trạng này cho thấy việc đưa phụ nữ vào lực lượng lao động cấp bách tới mức nào nếu Nhật Bản muốn thúc đẩy mức tăng trưởng đang trì trệ và vượt qua cuộc khủng hoảng nhân khẩu về dân số già và tỷ lệ sinh thấp.
"Những thập kỷ đã mất" là một điều đáng buồn đối với người Nhật, nhưng có thể đó lại là khoảng thời gian mà xã hội Nhật Bản thầm lặng chuyển mình, khi người Nhật buộc phải đánh giá lại những quan điểm về dân tộc, giới tính và giai cấp.
Những bước đột phá về dân tộc và giới tính mà Nhật Bản chứng kiến trong mùa hè này là bằng chứng chân thực nhất về sự tiến hóa của xã hội.
"Xã hội đang thay đổi một cách chóng vánh", Koichi Nakano, chuyên gia khoa học chính trị hàng đầu Nhật Bản nhận định, "Quan điểm tiêu cực về phụ nữ hoặc người Nhật lai ít được thể hiện hơn nhiều".
Theo thứ tự từ trái sang: Tomomi Inada, Rehno Murata, Yuriko Koike
Renho Murata, Yuriko Koike (tân Thống đốc Tokyo), và Tomomi Inada (Bộ trưởng Quốc phòng) chỉ là 3 người phụ nữ nhỏ bé trong một Chính phủ và xã hội do đàn ông điều hành. Nhưng những nhà lãnh đạo này không chỉ là "hàng trưng bày".
Họ đại diện cho sự thay đổi sâu sắc, ổn định và tiến bộ của Nhật Bản, sự thay đổi có thể khiến thế giới phải ngạc nhiên và đặt nền móng cho một tương lai tương sáng, kể cả với một nền kinh tế già cỗi.