Sau 17 năm con quái vật được gọi là "rồng xanh" lộ diện bên bờ sông Aridagawa ở TP Wakayama (Nhật Bản), các nhà khoa học đã xác định nó là một loài thương long hoàn toàn mới và cực kỳ nguy hiểm.
Theo Science Alert, kể từ khi mẩu hóa thạch đầu tiên được tìm thấy vào năm 2006, nhóm dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Akihiro Misaki từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên và lịch sử nhân loại Kitakyushu (Nhật Bản) đã mất tận 5 năm cho riêng công đoạn lấy bộ xương ra khỏi đá.
Chân dung rồng xanh Wakayama của Nhật Bản - Ảnh đồ họa: Takumi
Thêm nhiều năm phục hồi và nghiên cứu, họ đã có thể mô tả đầy đủ về nó trong một bài báo khoa học vừa được công bố trên Journal of Systematic Palaeontology.
Loài mới được đặt tên Megapterygius wakayamaensis, một con thương long dài tới 6 m, được mô tả là "to như xe buýt" và có hình thái cơ thể dị biệt, đầu hơi giống cá sấu.
Nó sống vào thời điểm 72 triệu năm trước, tức gần cuối kỷ Phấn Trắng.
Thương long là một nhóm bò sát biển khổng lồ và hung hãn của "thời đại khủng long", trong đó loài lớn nhất từng được xác định dài tới 17 m. Đa số chúng có thân hình mập mạp như cá heo hiện đại, nhưng cực kỳ nhanh nhẹn và thường đứng đầu chuỗi thức ăn nơi chúng sinh sống.
Con "rồng xanh" này cũng vậy. Dù được gọi là rồng nhưng bức ảnh được đồ họa về nó cho thấy một sinh vật có thân hình "ngư lôi", lưng xanh, bụng trắng, cái đầu khá nhỏ so với thân hình và vây dạng chân chèo.
Theo các tác giả, bộ hàm và răng của "rồng xanh" có thể tiêu diệt hầu như mọi thứ của đại dương, từ động vật có vỏ, rùa đến cá mập, thậm chí ăn thịt cả đồng loại.
Nhà cổ sinh vật học Takuya Konishi từ Đại học Cincinnati (Mỹ), đồng tác giả, cho biết ông tưởng rằng mình hiểu rõ về thương long cho đến khi bắt gặp rồng xanh Wakayama.
Con quái vật này có chân chèo dài bất thường so với tất cả thương long khác trên thế giới, cũng như các gai đốt sống lại giống cá heo. Có khả năng nó cũng có vây lưng như cá heo. Ngoài ra nó còn một chiếc đuôi khỏe để tạo lực đẩy.
Nhìn chung, chưa có con quái vật cùng thời nào sở hữu tất cả các phần cơ thể tốt nhất về mặt thủy động lực học như vậy.
Nói cách khác, đây có thể là loài bơi khỏe nhất Tây Thái Bình Dương, thậm chí là khỏe nhất thế giới thời điểm đó, điều kết hợp với bộ răng sắc đưa nó trở thành loài săn mồi đỉnh cao.