Lời phát biểu của ông Gen Nakatani rõ ràng đã nhằm thẳng vào Bắc Kinh.
"Tại Biển Đông, chúng ta đang chứng kiến hành động lấp đất nhanh chóng, trên diện rộng, xây dựng đồn bốt và trang bị nhằm mục đích quân sự. Không quốc gia nào có thể đứng ngoài vấn đề này".
Ông Gen Nakatani cho biết: Để giúp Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc, Nhật Bản sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực do thám, tiến hành tập trận chung và hợp tác phát triển thiết bị mới.
Tháng trước, Nhật Bản đã cho Philippines thuê 5 máy bay TC-90 King Air để phục vụ cho công tác tuần tra. Đây là gói viện trợ quân sự nước ngoài trực tiếp đầu tiên mà Tokyo thực hiện.
Manila còn muốn sử dụng các máy bay tuần tra P3-C của Nhật Bản để theo dõi các tàu ngầm của Trung Quốc gần khu vực biển của mình.
Ngoài ra, Tokyo cũng lên tiếng ủng hộ Washington đưa tàu tới gần các khu vực Bắc Kinh xây dựng trái phép trên biển Đông để thể hiện lập trường phản đối.
Tại Đối thoại Shangri-La 2016, ông Gen Nakatani cũng kêu gọi tất cả các nước có liên quan tới tranh chấp trên biển Đông đệ đơn kiến nghị lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), nơi sắp đưa ra phán quyết liên quan tới vụ việc giữa Philippines và Trung Quốc.
Sau một thời gian dài "im hơi lặng tiếng", Nhật Bản đã quyết định tìm kiếm các mối quan hệ gần gũi hơn với các nước Đông Nam Á, trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều hành động ngang ngược trên biển Đông.
Tokyo lo sợ Trung Quốc sẽ kiểm soát tuyến đường thủy trọng yếu của thế giới và điều đó sẽ đe dọa an ninh quốc gia Nhật Bản, giúp Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng ra biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương.