Mới đây các nhà nghiên cứu tại Đại học Osaka, Nhật Bản đã phát triển thành công mẫu robot có hình dạng giống như một đứa trẻ, sở hữu bộ da tổng hợp độc đáo có thể cảm thấy đau chẳng khác gì người thật.
Cụ thể, mẫu robot này có tên Affetto, có ngoại hình chân thực đến mức rùng mình cùng làn da nhân tạo với khả năng cảm nhận sự khác biệt của lực tác dụng vào, qua đó có thể trải nghiệm cảm giác đau giống như con người. Ngoài ra, làn da này cũng giúp Affetto dễ dàng phân biệt được sự khác biệt giữa những lần đụng chạm thoáng qua với những cú đập điếng người. Nghe thì có vẻ hơi tàn bạo, nhưng đội ngũ nghiên cứu cho biết đây là phương pháp giúp Affetto thấu hiểu và đồng cảm hơn với con người.
Mẫu robot mới của đội ngũ nghiên cứu ở Đại học Osaka vừa có ngoại hình chân thật, lại vừa biết đau giống như con người.
Mẫu robot này được trang bị hệ thống “dây thần kinh đau”, tích hợp trí thông minh nhân tạo (AI), cùng với đó là công nghệ da đặc biệt. Khi cảm nhận được sự khác biệt trong lực tác động, nó sẽ thể hiện những biểu cảm rất rõ ràng trên khuôn mặt của mình, và đương nhiên là sẽ nhăn nhó khi cảm thấy đau đớn rồi.
Trên thực tế, phiên bản đầu tiên của Affetto đã ra mắt từ năm 2011. Thế như khi đó, con robot này vẫn còn rất nhiều hạn chế bởi chỉ có mỗi phần đầu cùng 2 biểu cảm khuôn mặt duy nhất mà nó biết là mỉm cười thân thiện hoặc cau có khó chịu mà thôi. Giờ đây, đội ngũ nghiên cứu đã lắp ráp thành công các bộ phận cơ thể khác, cùng với đó là làn da nhân tạo được trang bị rất nhiều loại cảm biến khác nhau.
Robot Affetto có ngoại hình chân thực đến mức rùng mình, và giờ đây nó còn biết "đau đớn" giống như con người nữa.
Minoru Asada, đội trưởng đội nghiên cứu Đại học Osaka cho biết: “Các kĩ sư và các nhà khoa học vật liệu của chúng tôi đã phát triển thành công một loại cảm biến xúc giác mới và tích hợp nó vào mẫu robot trẻ em Affetto này. Điều đó đã biến nó thành một con robot vừa có ngoại hình chân thật, lại có biết cảm nhận xung quanh giống hệt như con người. Affetto có thể phân biệt rõ ràng lực tác động giữa những cú chạm nhẹ/mạnh khác nhau nhờ những tín hiệu thu được từ loại cảm biến này. Đó cũng là cách nó biết đau, và giúp chúng tôi nhẹ tay hơn để tránh làm nó “bị thương”. Các mẫu robot tương tự cũng đang được phát triển, với khả năng phản ứng với nỗi đau thể xác theo cơ chế tương tự như con người”.
Mẫu robot Affetto thực chất đã được phát triển từ gần 10 năm trước, thế nhưng khi đó nó mới chỉ có phần đầu và nửa thân trên mà thôi, cùng với những biểu cảm khuôn mặt tương đối cơ bản.
Robot Afetto
Trong năm 2018, nhà nghiên cứu Hisashi Ishihara, cũng đến từ Đại học Osaka cho biết: “Vấn đề lớn nhất mà những con robot mang hình dạng giống loài người đang gặp phải chính là chúng ta vẫn chưa có hệ thống đánh giá, phân loại chúng 1 cách cụ thể, dù chúng đã cực kì phát triển trong nhiều năm gần đây. Với những nghiên cứu chính xác, chúng ta có thể kiểm soát và phân loại hiệu quả biểu cảm cũng những mẫu robot này, thay vì chỉ sử dụng những cụm từ chung chung như “mỉm cười”, “nhăn nhó”.
Mặc dù phải còn rất lâu nữa, robot mới có thể vận hành linh hoạt giống như con người, thế nhưng ngay từ bây giờ, tại Nhật Bản đã có rất nhiều văn phòng, trường học, viện dưỡng lão sử dụng những mẫu robot như vậy để thay thế con người trong một số công việc thường ngày.
Theo Digit