Nhật Bản là quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất ở Bắc Thái Bình Dương

Hồng Nhung |

Một phân tích trong nghiên cứu về các mảnh vỡ đại dương cho biết hơn 3/4 khối lượng rác nhựa ở Thái Bình Dương là do hoạt động đánh bắt cá, bao gồm cả lưới và dây nổi.

Theo trang SCMP, các nhà nghiên cứu đến từ tổ chức phi lợi nhuận của Hà Lan - The Ocean Cleanup đã xác định Nhật Bản và Trung Quốc đại lục là những quốc gia có nguồn rác thải nhựa lớn nhất sau cuộc kiểm tra thu thập khoảng 230 vật thể bằng nhựa có dòng chữ dễ nhận biết bằng các ngôn ngữ khác nhau hoặc mang logo thương hiệu để xác định quốc gia thải rác.

Nhật Bản là quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất ở Bắc Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: SCMP

Nghiên cứu xác định Nhật Bản chiếm 34% và Trung Quốc chiếm 32% trong số lượng rác thải từ nhựa ở đại dương. Những rác thải nhựa này đã được tìm thấy ở giữa Hawaii và California. Sau Nhật Bản và Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ là hai nước tiếp theo ghi nhận lượng rác thải nhựa lớn ở khu vực này.

Trên tạp chí Scientific Report vào đầu tháng này, các nhà nghiên cứu đã đăng tải: "Chúng tôi cho rằng nguồn rác thải nhựa này là nguyên nhân từ hoạt động đánh bắt cá bởi Nhật Bản được biết đến là quốc gia đánh bắt cá lớn. Tuy nhiên, một phần cũng là do các mảnh vỡ từ trận sóng thần Tohoku vào năm 2011.

Ông Laurent Lebreton, tác giả chính và là trưởng nhóm nghiên cứu của tổ chức The Ocean Cleanup cho biết với Trung Quốc, quy mô và hoạt động của các đội tàu đánh cá của nước này trong khu vực cũng là nguyên nhân gây ra lượng rác thải nhựa lớn.

Theo nghiên cứu, kết quả phân tích trên 570kg mảnh vỡ từ Bắc Thái Bình Dương cho thấy gần 1/2 số vật thể bằng nhựa có niên đại sản xuất từ trước năm 2000. Trong số 6.100 các loại rác nhựa thu thập vào năm 2019 thì đồ vật được xác định lâu đời nhất là chiếc phao vào năm 1966.

"Điều đó cho chúng ta biết về sự tồn tại của nhựa. Loại rác này đã được tích lũy trong nhiều thập kỷ và vẫn ở đây", ông Lebreton cho biết.

Ông nói rằng những dụng cụ đánh bắt cá của ngư dân trôi nổi trên đại dương không chỉ là vấn đề đối với môi trường và sinh vật biển mà còn ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt và kinh tế.

"Lần trước khi các nhà nghiên cứu của chúng tôi ở trên biển, con tàu đã mắc vào lưới đánh cá. Các thủy thủ đã phải lặn xuống dưới thuyền và tự tay cắt lưới. Mọi hoạt động phải dừng lại. Những thủy thủ và thuyền trưởng nói rằng hiện tượng này xảy ra thường xuyên và ngày càng trở thành vấn đề lớn", ông nói.

Ngoài các thiết bị đánh bắt và nuôi trồng thủy sản như lưới hàu, bẫy cá chình và hộp đựng cá, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy các vật dụng như bút và bàn chải đánh răng trong đại dương. Ông Lebreton cho biết tổ chức phi lợi nhuận sẽ hướng đến mục tiêu làm sạch 90% lượng nhựa nổi trên biển vào năm 2040, một hoạt động sẽ tiêu tốn khoảng 1 tỷ Euro (1 tỷ USD).

"Việc thu hồi các mảnh vụn nhựa là một thách thức lớn. Bên cạnh đó việc theo dõi rác thải nhựa và nguồn gốc của nó cũng rất quan trọng", các nhà nghiên cứu nói. "Những nỗ lực này vừa giúp giảm khối lượng nhựa tích tụ trên bề mặt đại dương, vừa cho phép phân tích thành phần và nguồn gốc các mảnh vụn, xác định các nguồn ô nhiễm cần thiết để thiết kế các biện pháp giảm thiểu rác cũng như giảm rác đầu vào trong tương lai".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại