Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 ở Singapore ngày 4/6, dù không nêu đích danh Trung Quốc khi nói về các thách thức an ninh lớn trong khu vực, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bày tỏ "ngại ngại sâu sắc" về những hoạt động cải tạo nhanh chóng và quy mô lớn, cũng như việc xây dựng các tiền đồn được sử dụng vì mục đích quân sự ở một số khu vực trong vùng biển tranh chấp.
Ông Nakatani nhấn mạnh "các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng và củng cố các thay đổi đó như một sự đã rồi sẽ làm chệch hướng đáng kể trật tự biển dựa trên các nguyên tắc của cộng đồng quốc tế," đồng thời khẳng định các hành động như vậy đặt ra "thách thức" đối với trật tự toàn cầu dựa trên nguyên tắc hiện nay.
Theo Bộ trưởng Nakatani, hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ củng cố sự thịnh vượng của cả cộng đồng quốc tế, không chỉ riêng của khu vực, vì vậy "không quốc gia nào là người ngoài cuộc trong vấn đề này."
Trung Quốc ra yêu sách độc chiếm Biển Đông, một trong các hải trình quan trọng bậc nhất thế giới và là "vựa cá," đồng thời cũng như là nơi có nguồn tài nguyên dầu khí tiềm năng.
Trung Quốc liên tục chỉ trích Mỹ và Nhật Bản, gọi hai nước này là "người ngoài cuộc," cáo buộc Tokyo và Washington can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, cả Nhật Bản và Mỹ đều khẳng định không đứng về bên nào trong các tranh chấp tại Biển Đông, nhưng họ phải có tiếng nói trong vấn đề tự do hàng hải và tự do hàng không trong khu vực này./.