Cụ thể, theo thống kê mới nhất, trong năm 2018 Nhật Bản chỉ có 921.000 ca sinh mới và 1,37 triệu ca tử vong, tức -449.000 công dân. Như vậy, bất chấp các chính sách khuyến khích sinh sản, Nhật Bản đối diện với sự suy giảm dân số mạnh nhất trong năm nay.
Theo Bộ Y tế và phúc lợi Nhật Bản, chính sách khuyến khích sinh sản không những không khiến số lượng trẻ được sinh tăng lên mà còn khiến số lượng sinh thực tế giảm.
Cụ thể, với việc có 921.000 trẻ được sinh ra trong năm nay, số trẻ được sinh ra tại nước này ít hơn 25.000 em so với năm ngoái và là năm có số trẻ sinh ra ít nhất kể từ khi nước này bắt đầu thống kê số lượng sinh sản cách đây hơn một thế kỷ từ năm 1899.
Năm nay cũng là năm thứ 3 liên tiếp số trẻ sinh ra tại Nhật dưới ngưỡng 1 triệu trẻ, và ngày càng giảm hơn trước. Kết hợp với việc có tới 1,37 triệu công dân tử vong, mức suy giảm dân số hiện tại của Nhật là -449.000 người, mức cao nhất từ trước đến nay.
Dữ liệu mới này cho thấy chính phủ Nhật Bản sẽ phải đấu tranh rất nhiều để nâng tỷ lệ sinh (số trẻ trung bình mà một phụ nữ sinh ra) lên 1,8 vào tháng 4.2026. Tỷ lệ sinh hiện tại của Nhật là 1,43, thấp hơn rất nhiều lần tỷ lệ cần thiết để giữ dân số ổn định là 2,07.
Thủ tướng Shinzo Abe đã mô tả nhân khẩu học của Nhật Bản là một cuộc khủng hoảng quốc gia và hứa sẽ tăng các điểm chăm sóc trẻ em và đưa ra thêm các biện pháp khác để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con.
Tuy nhiên, số lượng trẻ em trong danh sách chờ có chỗ để được vào nhà trẻ công lập đang tăng trong 3 năm qua, kế hoạch cung cấp nhà trẻ của chính phủ Nhật có vẻ không mấy thành công.
Chưa hết, với việc người Nhật có tuổi thọ ấn tượng: 87,2 tuổi đối với nữ và 81,01 tuổi đối với nam giới - làm đè nặng thêm gánh nặng lên hệ thống phúc lợi nhất là hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân của nước này trong những năm tới.
Chính phủ Nhật đã buộc phải tăng thuế bán hàng (tương tự thuế VAT) từ 8% đến 10% từ tháng 10.2019 để bù đắp thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên việc này lại khiến tăng gánh nặng lên người trẻ, mà kết quả có thể sẽ khiến những người này tiếp tục không có nhu cầu sinh con, vốn quá tốn nhiều chi phí.
Nhật Bản là nước có tỷ lệ người già cao nhất - hoặc những người từ 65 tuổi trở lên - thế giới, tiếp theo là Ý, Bồ Đào Nha và Đức. Viện Nghiên cứu an ninh xã hội và dân số quốc gia tại Tokyo ước tính rằng hơn 35% người Nhật sẽ ở độ tuổi 65 trở lên vào năm 2040.