Nguồn: MOL
Công ty vận tải biển Nhật Bản Mitsui O.S.K. Lines (MOL) có kế hoạch đưa tàu du lịch nhiên liệu sinh học kết hợp hydro đầu tiên của đất nước vào hoạt động từ năm 2024. Điều này thể hiện nỗ lực của toàn ngành hàng hải nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Con tàu “HANARIA” có dáng bo tròn, dài 33 mét và có thể chở 100 người. Nó bắt đầu hoạt động thương mại từ tháng 4/2024 tại quận Fukuoka của Nhật Bản.
Năng lượng cung cấp cho con tàu này sẽ là sự kết hợp giữa nhiên liệu sinh học và pin hydro. Nguồn nhiên liệu sinh học sẽ có nguồn gốc nội địa. Với công nghệ này, lượng CO2 thải ra môi trường có thể giảm từ 53% - 100% so với những con tàu chạy bằng xăng dầu thông thường.
Trên thế giới rất hiếm tàu sử dụng nhiên liệu hỗn hợp như vậy. Động cơ điện của con tàu sẽ giúp không gian bên trong đủ yên tĩnh cho các sự kiện đào tạo, hội thảo và tiệc cưới.
Mitsui O.S.K. đã tổ chức hạ thuỷ con tàu mới này vào ngày 13/9 tại xưởng đóng tàu Hongawara, gần vịnh nhỏ của Hiroshima. Con tàu này được cho là lấy cảm hứng từ bộ phim hoạt hình "Ponyo on the Cliff by the Sea" của Studio Ghibli.
Công ty Motena-Sea, một liên doanh được thành lập vào tháng 3 năm 2022, là bên đặt hàng và sẽ điều hành tàu hybrid này. Các nhà đầu tư vào Motena-Sea bao gồm MOL Techno-Trade, Hongawara Ship Yard, các công ty quản lý tàu Ikous và Kanmon-Kisen.
Ảnh: MOL
Tại Nhật Bản, tàu chạy bằng năng lượng hydro đang là xu hướng mới. Nhà cung cấp khí đốt công nghiệp Iwatani sẽ vận hành một chiếc phà chạy bằng pin nhiên liệu hydro tại Triển lãm Thế giới 2025 ở Osaka.
Trong khi đó, nhà sản xuất máy móc hạng nặng Yanmar Holdings đang phát triển một con tàu được trang bị động cơ hydro. Một nguyên mẫu dài hơn 100 mét dự kiến sẽ được hoàn thiện vào năm 2025.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vận tải biển quốc tế thải ra khoảng 2% lượng khí CO2 liên quan đến năng lượng trên toàn cầu. Mặc dù thấp hơn tỷ lệ 16% của ô tô, nhưng lượng khí thải từ vận tải biển cũng lớn tương đương với lượng khí thải của cả nước Đức.
Năm 2020, hoạt động vận tải biển hầu hết sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) dự kiến sẽ được tăng cường sử dụng làm nhiên liệu hàng hải trong thời gian tới. Loại nhiên liệu này có thể giảm 20% - 30% CO2 so với dầu.
Nhưng riêng LNG không đủ để giảm khí thải CO2. Vì vậy, các công ty đang đầu tư vào hydro làm nhiên liệu cho tương lai. Những con tàu sử dụng hydro sẽ phù hợp với các tuyến nội địa, vì muốn đi xa hơn thì thùng chứa hydro phải lớn hơn.
Amoniac và metanol được coi là nhiên liệu thế hệ tiếp theo cho các tuyến đường dài. Tháng 5 vừa qua, công ty vận tải biển Nhật Bản Nippon Yusen cùng với IHI Power Systems và các đối tác khác tuyên bố thử nghiệm thành công động cơ tàu chạy bằng nhiên liệu amoniac. Nippon Yusen có kế hoạch đưa tàu kéo nhiên liệu amoniac đầu tiên vào hoạt động trong tháng 6 năm 2024.
Tuy nhiên, khi sử dụng amoniac làm nhiên liệu sẽ nảy sinh một số vấn đề. Loại nhiên liệu này độc hại, và việc đốt nó không cẩn thận sẽ thải ra các loại khí nhà kính như oxit nitơ, gây hậu quả còn nghiêm trọng hơn cả CO2.
Riêng hãng vận tải container khổng lồ A.P. Moller-Maersk đang hướng đến việc sử dụng metanol "xanh", bao gồm metanol sinh học từ chất thải động vật, để đội tàu của hãng giảm phát thải CO2.
Theo Nikkei Asia