Bộ trưởng METI Yasutoshi Nishimura cho biết chất bán dẫn là công nghệ chủ chốt cho việc thúc đẩy số hóa và cắt giảm CO2 tại Nhật Bản. Ông nhấn mạnh: “Bằng cách hợp tác với các viện nghiên cứu và ngành công nghiệp nước ngoài, nhất là của Mỹ, chúng tôi muốn tăng cường nền tảng và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp bán dẫn trong nước thông qua các nỗ lực chung của giới học giả và ngành công nghiệp trong nước”.
Trong chiến lược trên, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu sản xuất các loại chip nội địa có kích thước 2nm trong thời gian từ nay tới cuối thập niên này. Để thực hiện mục tiêu, Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ trợ cấp 70 tỷ yen (khoảng 494 triệu USD) cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo kế hoạch, công ty mới thành lập Rapidus sẽ tham gia quá trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất các loại chip tiên tiến sử dụng trong các máy tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo.
Bên cạnh đó, một tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D) mới có tên gọi Trung tâm Công nghệ bán dẫn tiên tiến (LSTC) sẽ được thành lập trong thời gian từ nay tới cuối năm. LSTC sẽ hợp tác với Trung tâm Công nghệ bán dẫn quốc gia Mỹ và các tổ chức khác của các quốc gia có chung chí hướng để cung cấp nền tảng nghiên cứu, phát triển.
Theo METI, trung tâm LSTC sẽ phối hợp với Rapidus để đảm bảo thiết lập các chuỗi cung ứng ổn định và an toàn cho việc sản xuất các loại chip tiên tiến kích thước 2nm. Cả LSTC và Rapidus đều do ông Tetsuro Higashi, cựu Chủ tịch hãng chế tạo thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron Ltd. lãnh đạo.
Nhật Bản từ lâu đã tự hào là một cường quốc công nghệ, bao gồm cả sản xuất chip. Dưới sự hỗ trợ của chính phủ vào những năm 1970, ngành công nghiệp bán dẫn của nước này đã tạo ra các tập đoàn điện tử cạnh tranh toàn cầu như Hitachi và NEC. Vào cuối những năm 1980, các công ty Nhật Bản thống trị thị trường toàn cầu, nắm giữ một nửa thị phần.
Tuy nhiên, thị phần nắm giữ bị giảm xuống dưới các giới hạn xuất khẩu do xung đột thương mại với Mỹ, trong khi các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan đã đạt được những bước tiến nhanh chóng trong ngành. Điều này làm giảm khả năng đầu tư của các công ty Nhật Bản - điều bắt buộc để phát triển và sản xuất hàng loạt sản phẩm chip tiên tiến.
METI cũng thừa nhận rằng Nhật Bản đã tụt hậu 10 năm so với các đối thủ toàn cầu như Mỹ, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan và một số quốc gia châu Âu. Theo METI, thị phần của Nhật Bản trên thị trường chất bán dẫn thế giới đã giảm từ mức 50% (năm 1990) xuống còn 10% hiện nay. Sự thụt lùi của ngành chip Nhật Bản diễn ra song song với sự đi xuống của ngành điện tử vì mất thị phần các mặt hàng như máy tính cá nhân, tivi, điện thoại thông minh và một số mặt hàng khác vào tay các đối thủ tại châu Á.
Mục tiêu của METI là duy trì 10% thị phần còn lại đến năm 2030. Mục tiêu này đòi hỏi phải đầu tư lớn, đạt mốc 5.000 tỷ yen (tương đương 35,78 tỷ USD). Theo METI, việc tung ra chính sách mới để đẩy nhanh tốc độ sản xuất chip nội địa được xem là sứ mệnh quốc gia, không kém phần quan trọng so với việc đảm bảo thực phẩm và năng lượng tại Nhật Bản.