"Nhật Bản đã chọn thời điểm tồi tệ nhất để mềm mỏng với Nga"

Ngọc Minh |

Nhận định về chuyến thăm Nga của Thủ tướng Shinzo Abe, nhiều chuyên gia cùng chung quan điểm rằng, Nhật Bản đang nắm rất ít lá bài có lợi, buộc Moscow phải nhượng bộ.

Nhật Bản vốn đặt nhiều kỳ vọng vào việc thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương, nhằm tạo hiệu ứng tích cực đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Sở dĩ Nhật Bản có thể tự tin như vậy, bất chấp can ngăn từ Mỹ và NATO, là bởi nền kinh tế Nga đang trì trệ do giá dầu sụt giảm, đồng rúp mất giá và lạm phát tăng cao. Thêm nữa, chính sách hướng Đông của Nga - với mục tiêu chủ yếu là phát triển các nguồn tài nguyên ở Siberia và Viễn Đông, xem ra là một lợi thế.

Thực tế, trong cuộc hội đàm 3 tiếng đồng hồ với Putin hôm thứ Sáu, Abe đã tận dụng vấn đề phát triển kinh tế Siberia và Viễn Đông để “lôi kéo” đối phương.

Tokyo đề xuất kế hoạch gồm 8 điểm, vạch ra phương hướng hợp tác song phương, nhằm khôi phục vùng Viễn Đông, phát triển năng lượng và xây dựng các bệnh viện hiện đại ở những khu vực khác.

Đáp lại lời mời tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông - nơi thảo luận về cơ hội đầu tư vào vùng Viễn Đông và châu Á - Thái Bình Dương - từ Putin, Abe khẳng định, ông rất sẵn lòng.

"Tôi có cảm giác rằng chúng ta đang tiến tới một bước đột phá trong các cuộc đàm phán hiệp ước hoà bình vốn đang bị đình trệ", Thủ tướng lạc quan phát biểu sau đó.

Đúng là Nga đang chú trọng phát triển vùng Viễn Đông và Siberia giàu tài nguyên. Đúng là Nhật Bản sẽ hưởng nhiều lợi ích nếu phát triển hợp tác năng lượng với Nga, đặc biệt là khi nước này đang tìm cách giảm phụ thuộc nặng nề vào nguồn dầu nhập khẩu từ Trung Đông.

Song, báo Nhật Japan Times đánh giá, vấn đề nằm ở chỗ, lợi ích mà Nhật Bản mang lại cho Nga chưa đủ lớn.


Nhật Bản và Nga có vẻ như có những ưu tiên khác nhau trong các cuộc hội đàm song phương.

Nhật Bản và Nga có vẻ như có những ưu tiên khác nhau trong các cuộc hội đàm song phương.

Phó giáo sư James Brown từ Đại học Temple (Tokyo), một chuyên gia về quan hệ Nga-Nhật thẳng thắn chỉ ra, Nhật Bản đã đánh giá sai đòn bẩy kinh tế của mình.

"Động lực cơ bản trong kế hoạch của Abe là hoạt động đầu tư kinh tế của Nhật Bản ở Nga, đặc biệt là tại Siberia và Viễn Đông. Không bàn cãi, đây là điều giới chức Nga mong mỏi.

Tuy nhiên, Nga không đủ nhiệt tình để thắt chặt thêm quan hệ kinh tế với Nhật Bản và vì vậy, điều đó chưa đủ để thuyết phục giới lãnh đạo nước này nhượng bộ" ở những vấn đề xưa nay họ vẫn cứng rắn.

Chuyên gia phân tích Abdul Ruff cho rằng, Nga không bao giờ muốn từ bỏ các hòn đảo có tầm quan trọng chiến lược với mình và cũng chưa đủ tin tưởng vào thoả thuận với Nhật Bản. Thêm vào đó, hiệp ước hoà bình hay việc cải thiện quan hệ song phương quan trọng với Nhật Bản hơn với Nga.

Đó là chưa kể tới việc, dù có dũng cảm "thách thức" đồng minh lớn là Washington để tới Nga, song nước Nhật của Abe vẫn muốn duy trì các lệnh trừng phạt theo ý của phương Tây nhằm vào Moscow.

Trong khi lôi kéo Tokyo nhằm phá thế cô lập của G-7 đối với Moscow được cho là mục tiêu chính của chính sách mà nước này đang theo đuổi với Nhật Bản.

Phó Giáo sư Brown đánh giá: “Đây có thể là thời điểm tồi tệ nhất để mềm mỏng với Nga. Abe đang rất liều lĩnh”.

Trước đó, trong cuộc hội đàm giữa các ngoại trưởng Nga – Nhật hồi giữa tháng Tư, Ngoại trưởng Lavrov đã bày tỏ rõ thái độ không nhượng bộ với các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp chủ quyền: "Nhật Bản buộc phải thừa nhận kết quả của Thế chiến thứ Hai. Đó là tiền đề bất di bất dịch."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại