Nhật Bản công bố loạt ảnh lần đầu tiên được chụp sâu bên trong lò phản ứng Fukushima

Quỳnh Chi |

Hôm 19/3, Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) của Nhật Bản đã công bố một số ảnh chụp sâu bên trong lò phản ứng nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Hình ảnh do máy bay không người lái mini chụp từ sâu bên trong lò phản ứng bị hư hỏng nặng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima cho thấy thiết bị điều khiển bị dịch chuyển và vật liệu biến dạng. 12 bức ảnh do Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) - công ty điều hành nhà máy - công bố là những bức ảnh đầu tiên chụp từ bên trong trụ đỡ kết cấu chính được gọi là bệ trong thùng chứa chính của lò phản ứng số 1 bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khu vực ngay dưới lõi lò phản ứng.

Giới chức Nhật Bản từ lâu đã mong muốn tiếp cận được khu vực này để kiểm tra lõi và nhiên liệu hạt nhân tan chảy nhỏ giọt ở đó, khi hệ thống làm mát của nhà máy bị hư hại do thảm họa động đất và sóng thần vào năm 2011.

Những nỗ lực trước đó với robot đã không thể tiếp cận được khu vực. Cuộc thăm dò kéo dài hai ngày sử dụng máy bay không người lái mini đã được TEPCO hoàn thành vào tuần trước. Những bức ảnh đầu tiên đã được công bố vào ngày 18/3.

Khoảng 880 tấn nhiên liệu hạt nhân tan chảy có tính phóng xạ cao vẫn còn ở bên trong 3 lò phản ứng bị hư hỏng. TEPCO đang cố gắng tìm hiểu thêm về vị trí và tình trạng của số nhiên liệu này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di dời, qua đó nhà máy có thể ngừng hoạt động.

Hình ảnh màu độ phân giải cao do máy bay không người lái chụp cho thấy các vật thể màu nâu với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau treo lủng lẳng ở nhiều vị trí khác nhau ở phần trên của thiết bị rơi ra từ đáy bình áp suất. Các bộ phận của cơ cấu truyền động thanh điều khiển, điều khiển phản ứng dây chuyền hạt nhân và các thiết bị khác gắn vào lõi đã bị bong ra.

Lãnh đạo TEPCO cho biết họ không thể xác định từ những bức ảnh rằng các khối lơ lửng là nhiên liệu nóng chảy hay thiết bị nóng chảy nếu không thu thập được các dữ liệu khác như mức độ phóng xạ. Máy bay không người lái không mang theo liều kế để đo nồng độ phóng xạ vì các thiết bị bay phải nhẹ và cơ động.

Camera của máy bay không người lái không thể nhìn thấy đáy lõi lò phản ứng, một phần vì quá tối. Tuy nhiên, thông tin trên có thể giúp ích cho các cuộc điều tra trong tương lai về các mảnh vỡ tan chảy, vốn là chìa khóa để phát triển công nghệ và robot để loại bỏ nó.

Trên thực tế, còn rất nhiều điều chưa nắm rõ bên trong các lò phản ứng, cho thấy việc này sẽ khó khăn đến mức nào. Các nhà phê bình cho rằng mục tiêu 30 - 40 năm cho việc dọn dẹp nhà máy do Chính phủ Nhật Bản và TEPCO đặt ra là quá lạc quan. Quá trình ngừng hoạt động nhà máy đã bị trì hoãn trong nhiều năm do những rào cản kỹ thuật và thiếu dữ liệu.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 bị tàn phá nặng nề trong trận động đất mạnh 9 độ gây ra sóng thần xảy ra vào ngày 11/3/2011, khiến lõi lò phản ứng tan chảy, gây rò rỉ phóng xạ, dẫn đến sự cố hạt nhân cấp 7, mức cao nhất trên bảng xếp loại sự kiện hạt nhân và phóng xạ quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại