Tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Kuni Miyake cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã làm rõ hơn về quy định mới trên, trong bài xã luận đăng tải trên tờ Japan Times.
Ông Miyake nói nhiều đồng nghiệp Mỹ công tác ở San Francisco đã bày tỏ sự bất ngờ, rằng hóa ra trước đây Nhật Bản không thể nổ súng vào tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải.
Câu trả lời là đúng, ông Miyake nói. Nhật Bản không thể đơn phương sử dụng vũ lực với tàu nước ngoài do ràng buộc trong Hiến pháp sửa đổi sau Thế chiến 2. Chính sách quốc phòng của Nhật Bản cũng chỉ đề cập đến khía cạnh phòng vệ.
Điều đó có nghĩa là Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) không thể nổ súng trước, trừ khi tàu nước ngoài có hành động tấn công.
Nhưng nhà chức trách Nhật Bản đã đưa ra cách giải thích khác, nhằm đối phó với Luật Hải cảnh (CCG) do Trung Quốc áp dụng từ ngày 1.2.2021.
Các tàu hải cảnh Trung Quốc giờ đây được phép sử dụng vũ khí nếu phát hiện tàu nước ngoài xâm phạm khu vực mà nước này coi là lãnh hải, bao gồm cả ở quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Theo cách giải thích mới, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản được nổ súng trực tiếp vào tàu nước ngoài, bao gồm cả tàu Trung Quốc, nếu các tàu này tìm cách đổ bộ ở quần đảo Senkaku.
Nguy cơ là rất rõ ràng, ông Miyake nói. Trong năm 2020, các tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Senkaku từ 6-8 lần mỗi tháng.
Kể từ khi Trung Quốc áp đặt quy định mới, tần suất hiện diện của các tàu hải cảnh Trung Quốc đã tăng gấp đôi, lên con số 14, theo thống kê của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản.
Ông Miyake cho biết, cách giải thích mới của giới chức Nhật nhằm gửi thông điệp rõ ràng đến Bắc Kinh, rằng Tokyo sẵn sàng dùng vũ lực nếu Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng ở quần đảo Senkaku.
Tuy nhiên, trong trường hợp tàu nước ngoài không mang vũ khí, cố ý đổ bộ ở quần đảo Senkaku, ông Miyake cho rằng, Nhật Bản chưa chắc có thể nổ súng ngăn chặn.
Nhưng nếu lực lượng đổ bộ có quy mô lên tới hàng trăm hay hàng ngàn người, ông Miyake nói Nhật Bản chắc chắn sẽ phản ứng.
Vai trò bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thuộc quyền hạn của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF). Nhưng không rõ SDF sẽ phản ứng ra sao trong trường hợp quần đảo Senkaku bị tàu nước ngoài chiếm đóng, ông Miyake nói.
Mỹ từng khẳng định trách nhiệm bảo vệ quần đảo Senkaku, theo hiệp ước đồng minh với Nhật. Nhưng ông Miyake cho rằng, người Nhật vẫn phải tự trông cậy vào chính mình, không thể mong chờ đồng minh phản ứng trước.