Hơn 3 ngày nghỉ ngơi, sau gần một tháng sống chung với cabin trên xe container, chúng tôi lại bắt đầu hành trình xuống Quảng Ninh. Quả thực, trạm thu phí khu vực Đại Yên (QL 18, Đại Yên, TP. Hạ Long) “nuốt tiền” tàn khốc và trắng trợn hơn bội lần so với trạm thu phí đầu Hà Nội (khu vực Văn Lâm, Hưng Yên).
Thăm dò…
Cuộc hành trình lần thứ hai của chúng tôi không như mong muốn. Chiếc xe ngay khi đánh ra đầu đường QL18 bỗng nhiên chết máy phải nằm lại khu vực Chí Linh (Hải Dương) gần nửa ngày.
Tôi và anh bạn vật vờ hết quán nước này quán nước khác chờ thợ sửa. Cảm giác chán nản vì thế không biết ập đến từ bao giờ.
Nhưng được anh bạn tài xế động viên, quyết tâm tìm ra sự thật về việc “ăn” vé ở trạm thu phí lại trỗi dậy trong tôi.
Xe sửa xong, tôi hào hứng lên đường. Nhưng chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, xe vừa chạy đến khu vực Đông Triều (Quảng Ninh) thì một quả lốp dính đinh.
Trong khi thời tiết nóng như đổ lửa, hai anh em hì hụi cả buổi chiều chỉ để thay lốp.
Trạm thu phí khu vực Đại Yên (QL 18, Đại Yên, TP. Hạ Long) ban ngày.
Mất gần 3h đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng làm xong. Trời lúc này đã xế chiều, chúng tôi đánh xe vào một quán ăn ưa thích của cánh xe tải và xe container, kiếm cái gì bỏ vào bụng để đuổi cơn đói đang hoành hành dữ dội.
Vào quán, để kiểm tra tình hình, anh bạn lái xe bắn một tràng tiếng lóng: “Nay đầu trạm này nó có “ăn” không?”.
“Ối giời, ngày nào nó chả “ăn”, ăn 24/24. Nay tao vội, bảo không cần 10 nghìn nữa, đưa cuống vé mà nó còn không chịu đưa. Bực hết cả người”, một anh tài khác trả lời.
Sau câu trả lời có phần bực bội của anh bạn tài, chúng tôi ngầm hiểu nôm na là hôm nay trạm thu phí khu vực Đại Yên vẫn thu 150.000 đồng/lượt mà không cần phải trả cuống vé (đúng giá là 160.000 đồng + trả cuống vé). Và cả tháng nay họ vẫn làm vậy.
Lập trình “ăn phí” 24/24
Sau khi dùng xong bữa tối, chúng tôi lên xe về khu vực địa bàn TP. Hạ Long (Quảng Ninh). Để chiếc xe an toàn, anh tài chạy khá chậm, chiếc xe lầm lũi bò về khu vực trạm Đại Yên trong đêm tối.
Tôi đang chập chờn ngủ thì bị anh bạn đánh thức: “Còn 3 km nữa là đến trạm đó, dậy mà xem bọn trạm này nó “ăn tiền”. Đời lái xe của tao chưa thấy bọn nào trắng trợn như bọn này”.
Dứt câu chuyện, trạm thu phí Đại Yên với ánh đén sáng choang đã hiện ra trước mặt. Đồng hồ điểm 3h sáng.
Chiếc xe đi đến buồng nhân viên trực, anh bạn tôi rút tờ 500.000 đồng đưa qua cửa kính. Anh chàng nhân viên thu phí cao ráo, gương mặt ưa nhìn thản nhiên đưa lại 350.000 đồng, không một lời giải thích.
Anh bạn tài của tôi cố tình giả vờ hỏi: “Không có cuống vé à?” thì nam nhân viên trợn mắt nhìn chúng tôi như sinh vật lạ từ trên trời rơi xuống. Thấy vậy, anh tài điều khiển chiếc xe đi qua.
19h ngày 8/7, chúng tôi thử nghiệm lại với một nam nhân viên bán vé khác tại khu trạm thu phí này. Anh ta vẫn trả lại số tiền 350.000 đồng sau khi nhận số tiền 500.000 đồng từ lái xe.
Đáng nói, vẫn không có một cuống vé nào được đưa ra.
Đến ngày 14/7, chúng tôi qua lại nhiều lần tại trạm phí này, tất cả nhân viên tại đây dường như làm việc như robot được lập trình từ trước.
Cứ đồng 500.000 đồng tài xế đưa là có 7 đồng 50.000 đồng được đếm sẵn để trả lại. Cả tuần đi lại hàng chục lượt, tình trạng trên vẫn không có gì thay đổi.
Sau khi ghi nhận toàn bộ thực trạng tiền phí qua trạm được các nhân viên các ca gian lận “ăn chia” trắng trợn, chúng tôi bỏ ra gần 1 ngày ngồi đếm thủ công các đầu xe container, xe trọng tải lớn qua trạm.
Trên thực tế, hàng ngày không dưới vài trăm lượt xe đi qua. Điều đó cũng có nghĩa, một lượng tiền khổng lồ bị nhân viên trạm biển thủ mỗi ngày.
Đáng nói, theo như anh bạn lái xe cho hay, đây không phải việc làm sai trái của cá nhân nhân viên trạm thu phí mà đã có sự cấu kết giữa nhiều người.
“Giám đốc trạm mà ra "nghị quyết" cấm “ăn” thì đến bố đứa nhân viên thu phí cũng không dám “ăn”. Bọn nó ăn chia nhau cả, thằng trên miếng to, thằng dưới miếng bé.
Nó thành một ê kíp rồi. Ông không cần phải hỏi tại sao” - anh bạn tài xế nói.
Kỳ 3: Chiêu thức tinh vi trạm thu phí đầu Hải Phòng ‘móc túi’ cánh tài xế.