Nhân viên thời nay nhà có điều kiện hơn sếp là bình thường vậy "áp lực tiền lương" sẽ thành nỗi lo của ai?

Lê Thủy |

Nhiều người làm sếp đặc biệt là tại các công ty start up hoặc có quy mô vừa và nhỏ đang cảm thấy tiền lương không còn là một trong những lý do để thu hút hoặc giữ chân nhân viên.

Nhân viên thời nay đi làm để tìm nơi có “thù lao” không chỉ bằng tiền mặt, khác hoàn toàn các thế hệ trước

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sau làn sóng Covid-19 và xu hướng chuyển đổi công việc trở nên phổ biến như hiện nay thì tiền lương đã không còn là yếu tố tiên quyết để có thể giữ chân nhân sự. Đặc biệt là đối với thế hệ GenZ - lực lượng lao động tiềm năng với sự khác biệt về tư duy và lối sống mới càng khiến cho các công ty hay người làm quản lý nhân sự cảm thấy khó nắm bắt để mang lại giá trị cho nhau.

Nhân viên thời nay nhà có điều kiện hơn sếp là bình thường vậy áp lực tiền lương sẽ thành nỗi lo của ai? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Hồng Ngọc - Giám đốc nhân sự của công ty công nghệ tại TP.HCM cho biết: "Phỏng vấn rất nhiều ứng viên là GenZ, mình đã nghe qua vô số lý do khi đặt câu hỏi "bạn mong muốn điều gì từ công ty hoặc công việc này". Thế nhưng, câu trả lời tại buổi phỏng vấn thường không được chính xác bằng cách các bạn thể hiện sau khi trải qua 2 - 4 tháng làm việc. Và kết quả chung thì tiền lương chắc chắn chỉ là yếu tố cần chứ không đủ".

Đây là một trong những vấn đề mà anh Trung - CEO của công ty start up hiện đang có khoảng hơn 20 nhân sự đang gặp phải. Theo anh kể: "Các bạn nhân viên trẻ thời nay rất giỏi và năng động, ngoài làm tại công ty thì còn làm thêm nghề tay trái, kinh doanh online. Đó là tinh thần mà thế hệ như tôi ngày xưa cũng phải lấy làm nể phục. Dĩ nhiên cũng có những trường hợp mang hoàn cảnh và tư duy khác, nhưng đa phần GenZ bây giờ đều rất nhanh nhạy trong vấn đề gia tăng thu nhập bản thân".

Ngoài ra, anh Trung còn tiết lộ ngay tại công ty của mình hiện có những bạn nhân viên tài chính rất mạnh và vững. Dù mức lương chỉ ở khoảng 12 - 15 triệu đồng/tháng nhưng lái xe Audi, thắt lưng, túi xách, giày da đồ hiệu, đến iPhone cũng luôn dùng đời mới nhất hay Macbook Pro các bạn cũng tự mua để hỗ trợ công việc chứ không dùng máy công ty cấp.

Ngoài giờ làm việc mình cũng thường thấy các bạn chia sẻ cuộc sống cá nhân rất phong phú như dùng bữa ở Park Hyatt hay các nhà hàng sang trọng, dù mức lương chỉ 15 - 20 triệu/tháng. Dĩ nhiên, những điều này hoàn toàn không ảnh hưởng tới công việc, bản thân mình hay mọi người trong công ty cũng không bàn tán vì khi đi làm, các nhân sự này luôn cống hiến hết mình và biết cách hòa nhập vào môi trường tập thể " - anh Trung cho hay.

Trong một lần công ty tổ chức dã ngoại, các nhân sự này cũng chia sẻ rất thẳng thắn về gia đình rằng có người hiện đang sở hữu vài mảnh vườn trồng Macca ở quê, người thì do bố mẹ có doanh nghiệp riêng và hàng tháng vẫn nhận được khoản tiền lương gấp nhiều lần so với công việc đang làm do phụ trách các mảng khác nhau tại công ty gia đình,... Anh Trung nghe xong ngỡ ngàng và hỏi một câu nửa đùa, nửa thật: "Vậy tụi em đi làm ở công ty anh vì điều gì?" Thì các bạn mới trả lời rằng công ty gia đình đã vận hành được vài chục năm đã vào guồng ổn định, bố mẹ hiện vẫn chưa sẵn sàng bàn giao tất cả cho con cái nối nghiệp nên muốn được phát triển lĩnh vực mà mình theo học và đam mê. 

Lúc này anh Trung mới giải đáp được phần nào vì sao các nhân sự này gần như không bao giờ "kì kèo" mức lương, kể cả lúc phỏng vấn ứng tuyển. Tuy nhiên anh Trung khẳng định, mức lương mình trả cho các bạn từ đầu đến nay luôn ở mức khá so với thị trường, có lộ trình thăng tiến rõ ràng cho các bạn.

Nhân viên thời nay nhà có điều kiện hơn sếp là bình thường vậy áp lực tiền lương sẽ thành nỗi lo của ai? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Theo lời kể của một nhân sự từng chia sẻ với anh Trung cho biết: "Lúc đầu em xin vào làm vì đây là ngành mà em muốn thử sức. Nhưng sau khi phỏng vấn, được đến văn phòng và được anh chia sẻ, em cảm thấy rất thích cách làm việc thẳng thắn, trân trọng nhân viên dù tụi em chưa có nhiều kinh nghiệm. Cảm giác như cùng tần số nên em nhận offer và không ngờ gắn bó cho đến tận 4 năm nay". 

Còn về vấn đề tiền lương, các bạn cho biết dù đó không phải là yếu tố mang tính quyết định nhưng ngay từ đầu sẽ có sự chủ động chọn lọc các vị trí có khung lương công khai ở mức bản thân dự tính và cho phép nên bù lại môi trường làm việc phù hợp, có người sếp tận tình, chuyên nghiệp để bản thân học hỏi nhiều hơn. Về đãi ngộ thì tùy thuộc vào công ty nhưng các khoản đóng thuế, y tế, bảo hiểm,... là điều chắc chắn phải có.

Áp lực tiền lương chỉ còn là nỗi lo của sếp?

Khác hoàn toàn với các nhân viên của anh Trung, Đức Trí (sinh năm 1990 ở TP.HCM) hiện là Giám đốc vận hành công ty thiết kế nội thất cho biết: "Đúng là giờ nhân viên trẻ nhiều bạn còn có điều kiện hơn cả sếp.

Ở công ty mình có 2 bạn sinh năm 2000 và 2002 rất giỏi và cũng thuộc dạng mức sống rất cao so với người có mức lương mà công ty đang chi trả. Nếu ngày xưa tụi mình ở lứa như các bạn hiện giờ, vừa ra trường chỉ mong tìm được việc làm, đủ tiền lo cuộc sống cá nhân chứ chưa dám nghĩ tới gia đình. 

Sau này khi có kinh nghiệm, chuyên môn vững, mới bắt đầu học cách deal lương với các doanh nghiệp và đôi khi, tiền lương tốt cũng có thể đánh đổi một số thứ để tiếp tục công việc đang làm. Nhưng thời bây giờ, nhân viên trẻ bất kể các bạn có điều kiện hay không thì để giữ chân được họ lương thôi chưa đủ.

Điều này chắc chắn sẽ là áp lực cho công ty bởi cơ chế lương dựa trên nhiều yếu tố, từ năng lực nhân sự, cấu trúc lương theo thị trường, thời gian/tính chất công việc, mức độ phức tạp, hay cả các cơ chế riêng của mỗi doanh nghiệp,... nên không thể vì muốn giữ chân được ai thì chúng ta phải nâng lương bất chấp. Đổi lại, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp tạo thêm nhiều hệ giá trị để thu hút và giữ chân nhân sự.

Nhân viên thời nay nhà có điều kiện hơn sếp là bình thường vậy áp lực tiền lương sẽ thành nỗi lo của ai? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Thật ra công ty sẽ không bao giờ ngần ngại tìm cách cải thiện lương mức cho nhân sự nếu họ xứng đáng và trong điều kiện cho phép, nó khác với "nghĩa vụ". Bởi cách đây một năm, chính em trai mình đã đề xuất với công ty mà em đang làm việc phải tăng lương sau 1 năm làm việc, dù theo mình đánh giá em hoàn toàn không hề cống hiến hết sức mình cho công ty, không tạo được nhiều giá trị so với yêu cầu đặt ra ban đầu. 

Lúc đó mình từng nói với em một câu khá phũ là "vắng mợ chợ vẫn đông". Công ty rất cần nhân sự để làm việc nhưng vị trí nào cũng có thể bị thay thế, em không làm thì công ty vẫn sẽ tìm được người khác thôi chứ đừng nói gì em vẫn là người mới, thời gian làm việc chỉ mới được một năm.

“Rất nhiều người có thể đạt được mức lương cao nhưng không phải ai cũng may mắn tìm được cho mình một người sếp tốt. Thu nhập hay mức lương cũng rất quan trọng, nhưng đó không phải là mục tiêu cuối cùng mà mình hướng tới”, Lê Thủy (21 tuổi, Thanh Hóa) chia sẻ.

Ở vị trí là một người mới còn rất ít kinh nghiệm, Lê Thủy càng hy vọng hơn vào việc mình có thể tìm được một người sếp tốt, một người hướng dẫn giàu kinh nghiệm và nhiệt tình. Những kiến thức mà Thuỷ học hỏi được trong quá trình làm việc sẽ dần tạo nên những giá trị tốt hơn của bản thân trong tương lai, đến một thời điểm nhất định Thuỷ hy vọng sẽ có cho mình một vị trí và mức lương phù hợp.

“Trước đây, mình cũng đã từng thử đi làm ở một vài công ty khác nhau và có mức lương khá ổn. Tuy nhiên, trong những môi trường làm việc đó, mình lại không thấy được sự phát triển của bản thân. Những công ty quá gò bó về mặt quy trình làm việc, tư duy lối mòn hay áp đặt khiến mình không có được hứng thú khi làm việc, thậm chí việc sáng tạo và những bước đột phá cũng không được chấp nhận vì vậy mình đã quyết định nghỉ việc”, Lê Thuỷ bộc bạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại