Nhân viên Gucci dụng chiêu "dùng ly miêu đánh tráo thái tử", chiếm đoạt gần 9.000 USD

Kiko |

"Oái oăm thay khi một người bỏ ra số tiền cao lại mua trúng cái túi Fake tại cửa hàng, trong khi ai đó trả giá thấp hơn lại tóm được túi Au từ trên mạng", netizen Trung Quốc chế giễu sự vụ.

2021 là một năm khá thành công với Gucci khi tầm phủ sóng ngày càng mạnh, các BST ra mắt đều tạo được tiếng vang nhất định. Nhưng xui thay, ngay khi bom tấn "Gia tộc Gucci" ra rạp trên toàn cầu cũng là lúc tai ương tại cửa hàng Gucci Thượng Hải bị phanh phui.

Nhân viên Gucci tráo túi Fake vào store

Theo thông tin từ chuyên trang JingDaily, một cựu nhân viên tại chi nhánh Gucci quận Tĩnh An (Thượng Hải) đang bị cảnh sát tạm giữ vì những nghi vấn tham ô, trục lợi. Cụ thể thì nhân vật này phải đối mặt với cáo buộc tráo túi Fake vào kho, sau đó đem túi Au rao trên các nền tảng mua đi bán lại đồ hiệu second-hand .

Nhân viên Gucci dụng chiêu dùng ly miêu đánh tráo thái tử, chiếm đoạt gần 9.000 USD - Ảnh 2.

Túi Fake chễm chệ trong store xịn chính là cơn ác mộng kinh hoàng nhất mà một thương hiệu cao cấp có thể nghĩ tới.

Có vẻ như hành động bất chính này đã diễn ra khá lâu và chỉ bị vỡ lở khi tháng 9 vừa qua, nhân sự của Gucci tại Tĩnh An phát hiện ra sự hiện diện của những chiếc túi Fake trong kho cửa hàng. Cảnh sát điều tra đã nhanh chóng thụ lý vụ án và tìm ra nghi phạm khi y để lộ sơ hở.

Cụ thể, nghi phạm đã mua 5 chiếc túi Fake siêu cấp (giống đến 90% hàng xịn) và bán túi Au trên mạng với giá rẻ hơn từ 3.000 đến 5.000 NDT mỗi chiếc. Để giải thích cho mức chênh lệch này, y bấu víu vào lý do "chiết khấu cho nhân viên".

Nhờ mưu mô "dùng ly miêu đánh tráo thái tử" mà nghi phạm bỏ túi được khoảng 57.000 NDT (khoảng 8.900 USD) kể từ tháng 5.

Vấn nạn hàng giả được đặt lên một tầm cao mới

Trung Quốc vốn mang tiếng là thiên đường đồ giả, hàng nhái của toàn cầu và sự vụ này càng khiến quốc gia tỷ dân thêm phần xấu hổ. Chuyện túi Fake nói riêng và hàng giả nói chung ngang nhiên xuất hiện tại các cửa hàng thời trang cao cấp mang lại những hệ luỵ kinh hoàng: nhà mốt bị mang tiếng đã đành, người mua cũng chẳng còn niềm tin.

Chẳng ai còn đảm bảo số tiền hàng ngàn đô có thể mang lại cho khách hàng những sản phẩm thật sự xa xỉ, kể cả khi họ quẹt thẻ trong cửa tiệm chính hãng.

Nhân viên Gucci dụng chiêu dùng ly miêu đánh tráo thái tử, chiếm đoạt gần 9.000 USD - Ảnh 4.

Còn gì cay hơn nếu mua nhầm túi Fake với giá túi Au...

Hiện sự vụ này đang khuấy đảo mạng xã hội Weibo, với tổng số lượt xem chủ đề lên tới 430 triệu dù mới lên sóng từ thứ sáu tuần trước. Netizen nhân đó mà chế giễu không ngớt: "Oái oăm thay khi một người bỏ ra số tiền cao lại mua trúng cái túi Fake tại cửa hàng, trong khi ai đó trả giá thấp hơn lại tóm được túi Au từ trên mạng."

Các thương hiệu phải cầu cứu luật pháp

Dù sao thì các hãng xa xỉ chỉ là nạn nhân. Họ cũng khẩn thiết cầu cứu bộ máy hành pháp tại Trung Quốc có những động thái mạnh mẽ hơn để tiêu diệt hàng giả.

Chẳng hạn đầu năm 2021, cảnh sát Trung Quốc đã triệt phá đường dây túi Fake Louis Vuitton vô cùng tinh vi với tay trong chính là một nhân viên của nhà mốt. Chỉ trong 4 năm, đường dây này đã thu lợi đến 15 triệu USD - con số mà thương hiệu nào nghe xong cũng khóc thét!

Tòa án tại quốc gia tỷ dân cũng đẩy mạnh các bộ luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, với ca đầu tiên chính là màn ăn mừng 3,85 triệu USD của New Balance khi thắng vụ tranh chấp logo chữ "N" với... New Barlun - một thương hiệu nội địa Trung. Burberry cũng phần nào giành lại được họa tiết Nova trứ danh sau những bất công diễn ra từ năm 2013 tại thị trường này.

Nhân viên Gucci dụng chiêu dùng ly miêu đánh tráo thái tử, chiếm đoạt gần 9.000 USD - Ảnh 6.

Kỳ thực, chính các nhà mốt là nạn nhân tội nghiệp nhất của vấn nạn túi Fake.

Theo The RealReal, giá trị bán lại của sản phẩm Gucci cao 2.3 lần so với các thương hiệu khác. Chính điều này đã đẩy Gucci đến cuộc chiến túi Fake ngày càng cam go. Bên cạnh việc tăng cường giám sát tại chỗ, các hãng xa xỉ còn phải chủ động biện pháp xác thực mặt hàng.

Để có thể nâng cấp mắt xích này thì ngoài sử dụng chip cảm biến NFC vốn đã bị vô hiệu hóa từ phi vụ Louis Vuitton, loạt nhà mốt còn cần xem xét thêm về công nghệ blockchain để gán cho mỗi mặt hàng một danh tính kỹ thuật số độc nhất.

Tuy nhiên để có thể phát triển và đồng bộ hóa khâu này trên toàn cầu sẽ ngốn thời gian khá dài. Để bảo vệ bản thân đến khi đó, người tiêu dùng ắt cần học thêm về kỹ năng phân biệt Fake - Au - mỗi tội là cách này thường nói dễ hơn làm...

Nguồn: JingDaily

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại