Vị Trạng nguyên trẻ tuổi nhất lịch sử khoa cử
Nguyễn Hiền, quê ở Dương A, huyện Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường, nay là huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, từ nhỏ đã nổi tiếng là người thông minh và ham học. Ông được dân làng yêu quý nhờ khả năng đọc viết thành thạo từ khi còn rất nhỏ. Theo truyền thuyết, khi mới 10 tuổi, gia đình gửi ông theo học ở chùa. Tại đây, ông đã nhanh chóng đọc hết 10 trang giấy thầy dạy chỉ trong một thời gian ngắn, giống như người đã được học từ lâu.
Khi Nguyễn Hiền 11 tuổi, danh tiếng của ông đã lan truyền đến kinh đô, và ông được người đương thời gọi là thần đồng. Cùng năm đó, ông tham gia kỳ thi Hương và giành vị trí đỗ đầu (Giải nguyên). Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (tức năm Tân Mùi theo âm lịch), vua Trần Thái Tông, với mong muốn tìm kiếm và trọng dụng nhân tài, đã tổ chức một kỳ thi lớn. Nguyễn Hiền, khi ấy mới 13 tuổi, đã lên kinh đô dự thi và xuất sắc đỗ Trạng nguyên.
Tuy nhiên, theo ghi chép trong "Đại Việt sử ký toàn thư", sự kiện này được tỏ rằng: Vì Nguyễn Hiền còn quá trẻ và chưa nắm vững các phép tắc lễ nghĩa, nên dù đạt vị trí cao nhất, ông chưa được vua ban mũ áo quan mà chỉ được hộ tống về quê để tiếp tục học tập thêm.
Nhiều lần khiến sứ thần nước láng giềng thất kinh, vua lập tức mời vào triều làm quan
Trong một lần sứ giả nhà Nguyên đến Đại Việt, họ đã đưa ra một thử thách hóc búa nhằm thách thức trí tuệ quân dân: Hãy xâu một sợi chỉ mảnh qua ruột của một con ốc xoắn. Vua Trần Thái Tông đã truyền lệnh cho các quan thử sức, nhưng không ai có thể thực hiện được. Một vị quan đã đề xuất thử tìm hỏi thần đồng Trạng nguyên Nguyễn Hiền xem sao, vua bèn đồng ý.
Viên quan được cử đi tìm gặp Trạng nguyên về đến xã Dương A và tình cờ gặp một nhóm trẻ chăn trâu đang chơi ở đầu làng. Trong nhóm, một cậu bé khôi ngô đang hướng dẫn bạn bè đắp hình một con voi bằng đất, các bộ phận của con voi có thể cử động như thật. Quan nhận ra đây chính là Trạng Hiền và quyết định thử tài cậu bằng cách ra một vế đối chiết tự bằng chữ Hán, lại mang phần sắc thái của người trên hỏi kẻ dưới: "Tự là chữ, cất giằng đầu, tử là con, con ai con ấy?"
Cậu bé không ngần ngại đáp lại: "Vu là chưng, bò ngang lưng, đinh là đứa, đứa nào đứa này". Vế đối của cậu không chỉ hoàn chỉnh mà còn thể hiện một chút phản nghịch, thể hiện thái độ đáp trả. Điều này đã khiến viên quan nhận ra đây chính là Trạng nguyên Nguyễn Hiền.
Sau đó, viên quan truyền lại lệnh vua mời Trạng về kinh. Tuy nhiên, Nguyễn Hiền từ chối, viện lý do rằng lần trước vua buộc ông về quê do chưa đủ lễ nghĩa, nay lại mời về cũng không giữ đúng lễ nghi. Trước tình thế khó xử, viên quan đành kể lại câu đố của sứ giả nhà Nguyên. Nghe xong, Trạng Hiền chỉ cười, quay lại chơi với nhóm trẻ. Khi viên quan thất vọng chuẩn bị ra về, ônglại nghe được bọn trẻ hát vang một bài đồng dao: "Tích tịch tang, tích lịch tang!/ Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng/ Bên thì lấy giấy mà bưng/ Bên thì bôi mỡ kiến mừng kiến sang."
Viên quan lẩm nhẩm vài lần thì hiểu ý, lập tức trở về kinh báo tin mừng. Nhờ bài hát này, sứ giả nhà Nguyên phải tâm phục khẩu phục trước trí tuệ của người Đại Việt.
Sau đó, vua Trần Thái Tông quyết định mời Nguyễn Hiền về triều để giúp nước. Khi về đến kinh đô, sứ giả Nguyên tiếp tục thử thách Trạng Hiền với vế đối: "Lưỡng Nhật bình đầu Nhật/ Tứ Sơn điên đảo Sơn; Nhị vương tranh nhất quốc/ Tứ khẩu tung hoành gian."
Nguyễn Hiền đáp ngay: "Đó là chữ điền (田)", khiến sứ giả phải thán phục.
Vua Trần Thái Tông sau đó phong ông làm Công bộ Thượng thư. Một thời gian sau, triều đình nhà Nguyên lại gửi một thông điệp với hai chữ "Thanh thủy". Vua Trần chưa hiểu ý nghĩa, nhưng Nguyễn Hiền nhanh chóng giải thích rằng đó là chỉ tháng 12, thời điểm xuất quân. Nhờ sự thông minh và tài trí của Nguyễn Hiền, vua Trần đã kịp thời đối phó với mưu đồ của triều đình phương Bắc.
Mất sớm gây tiếc thương, được Vua đích thân truy phong
Trong những năm tháng làm quan tại triều đình, Trạng nguyên Nguyễn Hiền đã có nhiều kế sách quan trọng giúp vua giữ nước và phát triển đất nước. Năm Ất Hợi, khi quân Chiêm Thành xâm lược, vua Trần vô cùng lo lắng và giao trọng trách bảo vệ đất nước cho Nguyễn Hiền.
Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo của ông, quân giặc đã bị đánh bại hoàn toàn. Sau chiến thắng, Nguyễn Hiền đã tổ chức tiệc khao quân tại Vũ Minh Sơn và báo cáo chiến công lên vua. Vua Trần, hết sức vui mừng, đã phong ông chức "Đệ nhất hiển quý quan" để ghi nhận công lao.
Với tầm nhìn xa, Nguyễn Hiền không chỉ tập trung vào quân sự mà còn chú trọng phát triển nông nghiệp. Ông đã cho đắp đê quai vạc sông Hồng, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ mùa màng và nâng cao sản lượng nông nghiệp. Đồng thời, ông cũng mở mang võ đường, rèn quân luyện sĩ, củng cố lực lượng quốc phòng.
Tuy nhiên, ngày 14 tháng 8 năm Bính Tý, khi mới 21 tuổi, Nguyễn Hiền lâm bệnh nặng và qua đời. Vua Trần, thương tiếc trước sự ra đi của một nhân tài, đã truy phong ông là "Đại vương thành hoàng". Ông cũng được lập đền thờ ở nhiều nơi trên khắp đất nước.
Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền ở Nam Định. Ảnh: Cổng TTĐT Nam Định
Hiện nay, đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền ở quê hương ông, thôn Dương A (Nam Thắng, Nam Trực, Nam Định) vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như bài vị, sắc phong, câu đối, đại tự, và đặc biệt là cuốn Ngọc phả ghi lại chi tiết sự nghiệp của vị Trạng nguyên trẻ tuổi và tài năng này.