Nhưng bước sang quý 2, giá kim loại quý này đã có sự phục hồi rực rỡ. Đâu là những nhân tố khiến giá vàng "thăng hoa" trở lại?
Khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu vào đầu năm 2020, giới đầu tư toàn cầu mạnh tay gom mua vàng vì lo ngại rằng chủng mới của virus Corona sẽ "đốn gục" kinh tế thế giới trong một thời gian dài. Lực mua ồ ạt đẩy giá vàng lên mức cao nhất mọi thời đại 2.072,5 USD/oz vào tháng 8/2020, và kết thúc năm ở vùng giá khoảng 1.900 USD/oz, tăng xấp xỉ 25% trong cả năm.
THĂNG TRẦM THỊ TRƯỜNG VÀNG
Nếu như đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu là lý do để nhà đầu tư nâng tỷ trọng nắm giữ vàng trong danh mục, thì vaccine và sự phục hồi tăng trưởng kinh tế chính là lý do để họ bán vàng. Bước sang năm 2021, khi thế giới khởi động chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 và nền kinh tế toàn cầu - đặc biệt là kinh tế Mỹ và Trung Quốc - phát tín hiệu khởi sắc rõ rệt, vàng lập tức bị bán mạnh.
Vào cuối tháng ba, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lập đỉnh 14 tháng ở 1,776%, giá vàng thế giới đã sụt về ngưỡng 1.680 USD/oz. Trong quý 1, giá vàng "bốc hơi" khoảng 10%, đánh dấu quý giảm mạnh nhất trong 7 năm. Tại thời điểm đó, nhiều nhà phân tích đã dự báo về sự thất thế của vàng trong năm 2021, và điều này có cơ sở khi thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục hút mạnh vốn - thể hiện qua xu hướng liên tục lập kỷ lục mới của chứng khoán Mỹ.
Tuy nhiên, trong hai tuần đầu tiên của tháng tư, giá vàng thế giới đã có sự đảo chiều ngoạn mục: sau khi tăng 1% trong tuần đầu tiên của tháng, giá vàng tiếp tục tăng thêm 2% trong tuần thứ hai, lên vùng 1.780 USD/oz, cao nhất trong gần hai tháng.
Theo giới phân tích, có ba nhân tố chính phía sau sự phục hồi mạnh mẽ này của giá vàng.
Thứ nhất, đó là lợi suất và tỷ giá. Khi đà tăng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ gây nhiều lo ngại trên thị trường tài chính toàn cầu trong quý 1, các quan chức Fed đã liên tục có các tuyên bố mang tính trấn an. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã không bỏ lỡ một lần xuất hiện nào để khẳng định lập trường của Fed rằng bất kỳ sự tăng lên nào của lạm phát cũng chỉ là tạm thời và giờ chưa phải là lúc Fed tính đến chuyện thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong dự báo mới nhất đưa ra sau cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ hồi trung tuần tháng ba, ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới dự báo sẽ duy trì lãi suất ở ngưỡng 0-0,25% cho tới hết năm 2023, cho dù đánh giá lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế.
Nỗ lực trấn an này của Fed đã phát huy tác dụng. Lợi suất trái phiếu Mỹ và tỷ giá USD đã "giảm nhiệt" nhanh chóng trong những phiên giao dịch gần đây. Phiên ngày thứ Sáu (16/4), lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn 1,59% - mức thấp nhất một tháng, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD cũng trượt về 91,5 điểm - mức đáy của bốn tuần.
"Thị trường đã bình tĩnh lại về vấn đề lãi suất. Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã rất cố trấn an mối lo của nhà đầu tư về lợi suất, và họ đã thành công. Khi thị trường bớt lo về lợi suất, cánh cửa tăng giá cho vàng được mở ra", nhà môi giới Daniel Pavilonis của RJO Futures nhận định trên trang Kitco News.
ẤN - TRUNG ĐỀU HỒI PHỤC CẦU VÀNG
Thứ hai, đó là nhân tố Trung Quốc và Ấn Độ. Lực mua từ Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, thường chiếm khoảng 2/5 nhu cầu tiêu thụ vàng hàng năm của thế giới - cũng đóng góp không nhỏ vào sự hồi phục của giá vàng.
Năm ngoái, khi kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ giảm tốc mạnh vì Covid-19, nhu cầu vàng tại hai nước này cũng giảm mạnh theo. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, khi kinh tế khởi sắc, lực mua vàng tại hai quốc gia này có sự phục hồi ấn tượng.
Tờ Financial Times đã nêu hai chỉ báo cho thấy nhu cầu vàng đang tăng cao ở Trung Quốc hiện nay. Thứ nhất, giá vàng bán lẻ ở Trung Quốc đã chuyển sang trạng thái cao hơn so với giá vàng thế giới trong những tuần gần đây (hiện chênh khoảng 7-9 USD/oz), từ chỗ liên tục thấp hơn giá quốc tế trong năm 2020. Và thứ hai, khối lượng vàng được rút khỏi Sàn giao dịch vàng Thượng Hải trong tháng ba vừa qua tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên 168 tấn.
Theo chiến lược gia trưởng John Reade của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), phần lớn số vàng này sẽ được dùng để làm đầy kho dự trữ của các công ty sản xuất và bán lẻ vàng sau khi doanh số bán ra tại các công ty này tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán.
Quy mô của đợt nhập khẩu vàng này là tín hiệu cho sự trở lại mạnh mẽ của Trung Quốc trên thị trường vàng toàn cầu. Từ tháng 2/2020 đến nay, nước này nhập khẩu vàng bình quân chỉ khoảng 600 triệu USD mỗi tháng, tương đương khoảng 10 tấn - theo số liệu Hải quan. Trong khi đó, năm 2019, giá trị nhập khẩu vàng của Trung Quốc đạt khoảng 3,5 tỷ USD mỗi tháng, tương đương 75 tấn.
Về Ấn Độ, nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng quốc gia Nam Á này nhập khẩu kỷ lục 160 tấn vàng trong tháng ba.
Sự hồi phục nhu cầu vàng của Trung Quốc và Ấn Độ "giữ vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ giá vàng" và có thể ngăn nguy cơ mất giá của vàng trong những tháng sắp tới, theo nhà phân tích Suki Cooper thuộc Standard Chartered.
Thứ ba, đó là lực mua vàng từ các ngân hàng trung ương. Số liệu từ WGC cho thấy các ngân hàng trung ương trên toàn cầu mua ròng 8,8 tấn vàng trong tháng hai năm nay, dẫn đầu là các ngân hàng trung ương của Ấn Độ, Uzbekistan, Kazakhstan và Colombia.
Tuy đã phục hồi mạnh trong hai tuần đầu tiên của tháng tư, giá vàng thế giới hiện vẫn thấp hơn khoảng 8,6% so với mức khởi đầu năm 2021. Sức hút của thị trường chứng khoán vẫn đang là một yếu tố gây áp lực giảm giá lên vàng mà nhà đầu tư không thể xem nhẹ. Chưa kể, các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vẫn đang bán ròng vàng.
Năm ngoái, các ETF vàng là một lực lượng quan trọng đưa giá kim loại quý này vượt qua ngưỡng 2.000 USD/oz lần đầu tiên trong lịch sử. Nhưng theo WGC, từ tháng 11/2020 đến tháng 3/2021, các ETF vàng đã bán ròng bốn quý liên tiếp. Riêng trong tháng ba, các quỹ này xả 108 tấn vàng, trị giá khoảng 6 tỷ USD.