Syria hơn một lần cầu viện Ấn Độ
Hồi giữa tháng Một, Phó thủ tướng, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem đã có chuyến thăm 3 ngày đến thủ đô New Delhi của Ấn Độ.
Các chuyên gia đều thống nhất quan điểm rằng mục đích chuyến thăm của ông Muallem là nhằm thuyết phục người đồng cấp Sushma Swaraj hỗ trợ chính phủ Syria về mặt ngoại giao.
Đây không phải lần đầu Damacus “ngỏ ý” nhờ New Delhi giúp đỡ. Nhiều lần trong năm 2015, đại sứ Syria tại Ấn Độ từng kêu gọi chính phủ nước này đóng vai trò hòa giải trong việc giải quyết xung đột giữa Syria và phương Tây.
“Ấn Độ có một vị trí độc nhất vô nhị bởi có quan hệ tốt với cả Syria và phương Tây. - ông Riad Abbas, Đại sứ Syria trả lời tờ Telegraph vào tháng 5/2015 - "Chúng tôi thật sự mong Ấn Độ đóng một vai trò tích cực hơn nữa”.
Cũng cần phải nói thêm rằng, chuyến thăm của Ngoại trưởng Muallem, diễn ra trong hoàn cảnh quân chính phủ nước này, dưới sự hỗ trợ của không quân Nga, đã giành được nhiều thắng lợi tại một số vị trí chiến lược.
Từ cuối năm 2015, đã có một số ý kiến cho rằng Nga sẵn sàng từ bỏ đồng minh của mình nếu cần thiết.
Có lẽ vì vậy mà chính phủ Syria đã tìm sự giúp đỡ từ những người bạn ở châu Á (mà Trung Quốc là một ví dụ). Học giả Kadira Pethiyagoda trong một bài viết cho viện nghiên cứu Brookings, đã chỉ ra “chuyến thăm Ấn Độ là một phần chiến dịch lớn hơn của chế độ Assad tại châu Á”.
Ngoại trưởng Syria vẫn chưa thể thuyết phục Ấn Độ "ra mặt" giúp sức.
Giúp Syria, Ấn Độ được nhiều hơn mất
Mặc dù quan hệ với Syria không chiếm vị trí trọng tâm trong “chiến lược hướng Tây” của Ấn Độ như các nước vùng Vịnh, song không thể phủ nhận giữa 2 nước đã có mối giao hảo lâu đời. Chính quyền New Delhi cũng có nhiều quyền lợi tại Damacus.
Xét về kinh tế, cũng như Nga và Trung Quốc, Ấn Độ có nhiều dự án đầu tư vào năng lượng tại Syria, mặc dù đây không phải nguồn cung cấp dầu mỏ chủ đạo cho New Delhi.
Tờ National (UAE) cho biết, Ấn Độ hiện đang đầu tư vào 2 tập đoàn dầu khí tại Syria. Xung đột tại nước này cũng từng khiến 1 dự án giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Syria phải hủy bỏ vào năm 2013.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chính sách của New Delhi tại Trung Đông phụ thuộc nhiều vào quyền lợi kinh tế hơn các toan tính chiến lược chính trị.
Về mặt chính trị – xã hội, hệ lụy từ cuộc nội chiến Syria cũng có những tác động không nhỏ tới Ấn Độ.
Từ sau xung đột tại Kashmir, nước này đã phải đau đầu với những nhóm Hồi giáo vũ trang cực đoan (được cho là được tài trợ bởi đối thủ chính trị Pakistan) thì nay, Ấn Độ lại phải đối mặt với IS, trong hoàn cảnh tổ chức này đang có được chỗ đứng nhất định khi thanh thiếu niên Ấn Độ đang có xu hướng cực đoan hóa.
Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua mối quan hệ giữa Ấn Độ với Nga, đồng minh thân cận của chính phủ Syria. Nhà phân tích Kabir Taneja cho biết:
“Trong lịch sử, Moscow và New Delhi đã liên minh với nhau trong nhiều vấn đề quốc tế, từ cuộc xung đột tại Kashmir đến những hành động của Nga tại Ukraine. Đến nay, Moscow là một trong những nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu, đồng thời là đồng minh thường trực gần như duy nhất của New Delhi”.
"Quyền lực mềm"
Ngay từ những ngày đầu nội chiến, ở Ấn Độ, đã có một làn sóng ủng hộ chính phủ Syria. Nhiều quan chức và học giả nước này còn công khai bày tỏ quan điểm rằng chính phủ nên có những hành động tích cực hơn nữa – thậm chí là lôi kéo sự ủng hộ của các nước trong khối BRICS.
Giới phân tích đều cho rằng, vai trò của Ấn Độ, nếu có, trên bàn đàm phán là dùng quyền lực mềm, vốn được tích lũy từ mối quan hệ thân thiện lâu năm với các nhân tố quốc tế trong cuộc xung đột ở Syria, để thúc đẩy tình hình.
Quả thật, chính quyền Ấn Độ cũng có nhiều tuyên bố ủng hộ Tổng thống Assad và đồng minh. Mặc dù luôn phản đối giải quyết cuộc nội chiến bằng các hành động quân sự, song đồng thời Ấn Độ lại ủng hộ chiến dịch không kích của Nga cũng như quan điểm của chính phủ Syria về các nhóm nổi dậy.
Tuy nhiên, vào năm 2012 Ấn Độ từng 2 lần bỏ phiếu thuận cho những dự thảo trừng phạt chính phủ Syria, mặc dù 2 dự thảo này đều không được thông qua.
Nhiều tờ báo nước này nhận định sau chuyến thăm của ông Muallem rằng, bất chấp những quyền lợi cùng nguy cơ gắn với cuộc chiến Syria và tham vọng muốn trở thành một siêu cường có ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới, hành động của Ấn Độ trong nội chiến Syria vẫn còn rất cẩn trọng.
Cũng có thể Ấn Độ sẽ còn tiếp tục giữ vị trí trung lập của mình trong thời gian sắp tới.