Mở thẻ tín dụng để mua ô tô, chàng trai mất ngay 50 triệu đồng
Đó là câu chuyện xảy ra với Thanh Tùng (Hà Nội). Thanh Tùng nhớ lại, chỉ cách đây vài ngày, do muốn mua ô tô nên anh chàng dự tính mở thẻ tín dụng để tạm ứng trước số tiền còn thiếu và vay trả góp.
Đúng chiều hôm đó, “không biết duyên thế nào” thì có số máy gọi đến, tự xưng nhân viên của ngân hàng hỗ trợ anh chàng mở thẻ tín dụng. “Vì giờ mình cũng biết mở thẻ online không quá lạ lẫm nên mình đã chủ quan tin”, anh chàng thú nhận bước đầu tiên dẫn đến câu chuyện mất tiền.
Sau đó, một người đã kết bạn với Thanh Tùng trên mạng xã hội. Nhân vật này hướng dẫn anh chàng tải app ngân hàng, tạo tài khoản thẻ tín dụng trên app, sau đó kêu anh đợi xét duyệt hạn mức của thẻ tín dụng là 250 triệu đồng.
Lúc sau, có một số điện thoại khác với đuôi “024” gọi cho Thanh Tùng, tự xưng là “bộ phận thẩm định của ngân hàng” và yêu cầu anh chàng nộp một số tiền vào tài khoản tín dụng để chứng minh khả năng chi trả của chính chủ. Đồng thời, nhân viên ngân hàng giả hỗ trợ nói chuyện với anh qua mạng xã hội cũng khẳng định: Việc chuyển khoản tiền này chỉ duy trì từ 15 - 30 phút để ngân hàng thấy được khả năng tài chính của khách hàng. Và sau đó, Thanh Tùng có thể rút tiền từ tài khoản tín dụng và chi tiêu như bình thường.
Ảnh minh hoạ
Chưa thấy “mùi lừa đảo” nên Thanh Tùng đã chuyển khoản 50 triệu đồng vào tài khoản thẻ tín dụng. Lúc sau, “bộ phận thẩm định” lại yêu cầu anh cung cấp mã OTP của ngân hàng gửi đến. Ngay khi chàng trai cung cấp mã OTP, Thanh Tùng nhận được thông báo tài khoản thẻ tín dụng bị trừ 50 triệu đồng.
Thanh Tùng kể lại: “Sau đó mình có hỏi người hỗ trợ trong tin nhắn là vì sao lại tài khoản của mình trừ tiền và cách xử lý thế nào. Họ bảo là do mã OTP bị sai nên tiền của mình bị treo giữa tài khoản ngân hàng và tài khoản tín dụng. Mình cũng là nghĩ chuyện này xảy ra ở ngân hàng nhà nước nên sẽ được xử lý dễ dàng thôi. Tuy nhiên, khi mình mở lại tin nhắn cũ, thấy dòng chữ: ‘Tuyet doi KHONG cung cap OTP cho nguoi khac’ là đã tự hỏi tại sao bản thân lơ là cảnh giác thế”.
Được biết, Thanh Tùng đã lên ngân hàng để nhân viên giúp đỡ. Tuy nhiên anh chỉ nhận được câu trả lời là dù báo công an thì cũng khó lấy lại tiền vì đây là giao dịch trực tuyến.
Thông qua lần đến ngân hàng này, anh cũng phát hiện bản thân không phải trường hợp duy nhất trở thành nạn nhân của trò lừa đảo tinh vi. Bởi chỉ trong sáng hôm đó, nhân viên ngân hàng cho biết cũng đã tiếp một vị khách bị lừa 30 triệu đồng cùng một phương thức như Thanh Tùng nhưng chỉ đành chịu mất trắng.
“Cá nhân mình cũng đã chấp nhận sự sai sót và thiếu cẩn trọng của bản thân dẫn đến sự việc trên. Đồng thời, mình cũng coi nó là động lực để kiếm được nhiều hơn”, Thanh Tùng ngậm ngùi cho biết.
Ảnh minh hoạ
Hiện Thanh Tùng không còn hy vọng trong việc lấy lại số tiền 50 triệu đồng của mình. Nói về vụ việc vừa qua, chàng trai vẫn bày tỏ sự lạc quan và mong muốn thông qua câu chuyện này, mọi người có thêm bài học cảnh giác khi nhận được lời mời chào mở thẻ tín dụng online như hiện nay.
Cẩn trọng khi mở tài khoản thẻ tín dụng
Hiện nay, trong quá trình giao dịch trực tuyến, các ngân hàng đều khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ, số bảo mật, mã OTP... cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng; tuyệt đối không quét QR Code hoặc truy cập vào các đường link lạ; không chụp thẻ tín dụng, mã bảo mật trên thẻ.
Về phía khách hàng, bạn cần lưu ý không tùy tiện cung cấp mã OTP, không lưu thông tin thẻ trên điện thoại hoặc bất kỳ thiết bị nào; không chia sẻ thông tin thẻ lên mạng xã hội để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, bạn không nên cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc, đặc biệt các ứng dụng có quyền truy cập dữ liệu trên thiết bị; không thực hiện các giao dịch chuyển tiền, nạp tiền vào tài khoản hay số điện thoại do người khác chỉ định để làm thủ tục nhận thưởng hoặc khuyến mại, vay vốn…