Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tiêu chuẩn đối với Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Phát biểu khai mạc Hội nghị TƯ lần thứ 14, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị sẽ báo cáo TƯ về kết quả việc chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII (về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, quy trình phát hiện, giới thiệu và cách làm).
Trung ương sẽ thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho hay, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, tổng kết công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số khóa gần đây (về tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, số lượng, cơ cấu, cách làm) và rút ra các bài học kinh nghiệm, làm cơ sở để xây dựng Đề án về phương hướng công tác nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Căn cứ vào tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới và thực tế đội ngũ cán bộ hiện có, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, xem xét một cách dân chủ, khách quan, toàn diện; rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án nhân sự theo đúng phương hướng, quy trình công tác nhân sự đã đề ra.
Trước đó, tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương (tháng 5/2020), ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ cho biết, về số lượng Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII cố gắng giữ như khóa XII, từ 17 - 19 thành viên, Ủy viên Ban Bí thư từ 12 - 13 thành viên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dự Hội nghị. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị về Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý:
Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của Ủy viên BCH Trung ương, đồng thời cần có thêm các tiêu chuẩn:
Thật sự tiêu biểu, mẫu mực của BCH TƯ về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; không bị chi phối bởi sự can thiệp, sức ép bên ngoài và lợi ích nhóm.
Hiểu biết sâu rộng tình hình đất nước, khu vực và thế giới; nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, am hiểu sâu sắc về xã hội.
Có ý thức, trách nhiệm cao, có khả năng đóng góp ý kiến trong việc hoạch định đường lối, chính sách và phát hiện, đề xuất những vấn đề thực tiễn đặt ra để BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thảo luận, quyết định.
Là Uỷ viên chính thức BCH TƯ trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch YUBND tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các Ban, Bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương.
Trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong quân đội thì phải kinh qua chức vụ chủ trì cấp quân khu.
Đối với tiêu chuẩn của Ủy viên BCH TƯ: Tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác.
Có ý thức, trách nhiệm cao, kiến thức toàn diện; tích cực tham gia thảo luận, đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương.
Có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công quản lý, phụ trách.
Có năng lực dự báo, xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, bất ngờ; có khả năng làm việc độc lập.
Có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp và tương đương.
Nhân sự giới thiệu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngoài những tiêu chuẩn cụ thể, còn có các tiêu chuẩn chung như: Về tư tưởng chính trị; đạo đức lối sống; trình độ phải tốt nghiệp đại học trở lên; năng lực và uy tín; sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm.
Độ tuổi nhân sự giới thiệu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư như thế nào?
Trao đổi với PV, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức TƯ cho hay, đối với nhân sự vào BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ phải đảm bảo cơ cấu về độ tuổi.
Tại Hội nghị TƯ lần thứ 12 (tháng 5/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, BCH TƯ khóa XIII cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên).
Trường hợp đặc biệt cần phải cơ cấu vào BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình BCH TƯ xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng.
Ông Thưởng cho rằng, việc cơ cấu độ tuổi xuất phát từ yêu cầu vừa phải có những nhân sự từng trải, kinh qua những chức vụ khác nhau đồng thời phải có những người trẻ để kế cận.
Theo ông Thưởng, trường hợp đặc biệt, có thể là những người trên 60 tuổi, đã từng kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo khác nhau, có kinh nghiệm thực tiễn và sẽ là nòng cốt BCH khoá mới. Còn độ tuổi dưới 50 là đội ngũ kế cận lâu dài, độ tuổi này càng trẻ càng tốt.
Về độ tuổi tối thiểu giới thiệu tham gia Bộ Chính trị, ông Thưởng nêu rõ, theo nguyên tắc người được giới thiệu vào Bộ Chính trị phải là Uỷ viên TƯ ít nhất một khoá. Tương tự để được giới thiệu bầu Tổng Bí thư sẽ phải là Uỷ viên Bộ Chính trị ít nhất một khoá.
Còn tại Hội nghị báo cáo viên diễn ra hồi tháng 10/2020 do Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức, ông Lê Quang Vĩnh, Trợ lý Thường trực Ban Bí thư, cho biết, theo kết luận của Bộ Chính trị về phương hướng nhân sự, độ tuổi tái cử đối với Bộ Chính trị, Ban Bí thư là không quá 65 tuổi (đến thời điểm tổ chức Đại hội XIII, dự kiến trong quý 1/2021) với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.