Thời thiếu nữ, NSND Lan Hương có khuôn mặt bầu bĩnh đáng yêu. Chị đến với nghệ thuật một cách tình cờ. Một người bạn rủ chị cùng đi dự tuyển vào Nhà hát Kịch Việt Nam, không ngờ bạn trượt, còn chị lại đỗ. Nhà hát là nơi chị gắn bó nhiều năm. Tên tuổi chị gắn liền với các vở: Cuộc chia tay tháng 6, Người đá lạc đội hình, Nhân danh công lý, Tiếng hát cuộc đời, Trần Thủ Độ, Trên dải trời xanh, Đêm của bóng tối…
Nhìn tấm ảnh cô thiếu nữ dịu hiền, ngây thơ này, thật khó hình dung ra bà mẹ chồng kinh khủng trong các bộ phim Sống chung với mẹ chồng, Thương ngày nắng về mấy chục năm sau.
Đôi mắt biết nói của NSND Lan Hương giúp chị rất nhiều trong việc hóa thân vào các vai diễn, biểu đạt rất tốt cảm xúc, tâm lý nhân vật.
Như nhiều diễn viên sân khấu khác, NSND Lan Hương còn tham gia nghệ thuật thứ bảy. Chị từng đóng rất nhiều phim như: Bến đò Lăng, Gió làng Kình, Vệt nắng cuối trời, Bí thư tỉnh ủy, Nếp nhà, Những công dân tập thể, Viết tiếp bản tình ca, Hoa sữa cuối thu, Làm chồng đại gia... Với vai cô giáo Thủy trong phim điện ảnh Mùa ổi, chị giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại liên hoan phim tổ chức ở Singapore năm 2001.
Tạo hình của NSND Lan Hương trong một vở kịch đầu thập niên 1990. Không chỉ có gương mặt đẹp, chị còn có vóc dáng quyến rũ. Mái tóc bông trở thành thương hiệu và là nét đẹp riêng của Lan Hương.
NSND Lan Hương trên một tờ báo xuân năm 1987...
...và trong một bộ phim.
NSND Lan Hương và chồng - NSƯT Đỗ Kỷ - đã gắn bó với nhau hơn 40 năm. Họ cùng sinh năm 1961, cùng học Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), cách nhau một lớp nhưng chưa bao giờ trò chuyện. Hai người nhận ra nhau khi cùng đỗ vào lớp kịch của Nhà hát Kịch Việt Nam và nên duyên tại đây.
Những ngày hẹn hò của cặp nghệ sĩ trong thời bao cấp. Họ vẫn đùa rằng hồi đó cả hai đều "ốm đói" vì cuộc sống khó khăn, thiếu thốn.
Hai nghệ sĩ Lan Hương và Đỗ Kỷ trong đám cưới giản dị năm 1987.
Ảnh: Tổng hợp