Nhân loại sắp biến Trái đất thành một cái lò lửa mà không có đường quay lại

T.O.P |

Khí nhà kính không phải nguyên nhân duy nhất khiến Trái đất nóng lên. Chính bản thân sự phản hồi của Trái đất với quá trình ấy mới đáng sợ.

"Các bờ biển biến mất. Sóng thần đánh cao đến tận đỉnh núi. Loài người suy tàn, thực phẩm khan hiếm, và những đợt nóng chết người liên tục xảy ra."

Đó không phải là phim kinh dị đâu, mà là cảnh tượng sẽ xảy ra vào một ngày không xa. Khoa học gọi đó là "Hothouse Earth".

Có lẽ nhiều người đã biết đến cụm từ "greenhouse effect" - hiệu ứng nhà kính. Cụm từ này xuất phát từ các nhà kính được dùng để trồng cây, khi tiếp xúc với ánh Mặt trời sẽ tạo ra hiệu ứng giữ nhiệt. Nhưng trong tiếng Anh còn có cả từ "hothouse" nữa, có thể hiểu là một cái "greenhouse" bị nung nóng.

Nhân loại sắp biến Trái đất thành một cái lò lửa mà không có đường quay lại - Ảnh 1.

Khỏi phải nói cũng biết là với quy mô Trái đất, hothouse là một phiên bản tệ hơn của greenhouse. Và theo các chuyên gia kết luận mới đây, hiện tượng hothouse sẽ đến sớm hơn chúng ta tưởng. Khi ấy, Trái đất sẽ nóng đến mức vượt qua ngưỡng có thể phục hồi.

Một viễn cảnh cực kỳ xấu

Đây là một tin cực xấu! Bởi vì ngay cả khi chúng ta đạt được mục tiêu như trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2015 là giữ nhiệt độ tăng ở mức 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thì mọi chuyện cũng không hề khá hơn.

"Lượng khí nhà kính do con người thải ra không phải là yếu tố duy nhất làm tăng nhiệt Trái đất" - trích lời Will Steffen, chuyên gia từ ĐH quốc gia Australia.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc để nhiệt độ nóng thêm 2°C có thể khiến Trái đất đưa ra chuỗi phản ứng khác (được gọi là "phản hồi") và làm nhiệt độ tăng nhiều hơn - kể cả khi chúng ta ngưng sản sinh ra khí nhà kính."

Nhân loại sắp biến Trái đất thành một cái lò lửa mà không có đường quay lại - Ảnh 2.

Nhiệt độ tăng lên sẽ kéo theo nhiều hiệu ứng khác, tạo ra một vòng lặp không lối thoát

Khái niệm "phản hồi" được chia thành hai loại: âm và dương. Phản hồi âm sẽ giúp hệ sinh thái được cân bằng, nhưng phản hồi dương sẽ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.

Lấy ví dụ như quá trình băng tan. Khi Trái đất nóng lên, lớp băng vĩnh cửu hai cực sẽ tan ra. Nhưng quá trình tan này cũng đồng thời thải ra thêm một lượng carbon không nhỏ vốn đang kẹt trong băng, và từ đó khiến Trái đất nóng hơn nữa. Đó chính là "phản hồi dương", và nó có thể gây ra thảm họa.

Trong nghiên cứu của Steffen, các chuyên gia còn hướng đến nhiều xu hướng khác nữa. Chẳng hạn như lượng khí methane phát ra từ đáy đại dương, các vùng đất kết cấu yếu, hoặc từ quá trình vi khuẩn tăng trưởng trong nước biển.

Theo Steffen, đây đều là các tín hiệu không tốt. Và chỉ cần chạm đến ngưỡng 2°C tăng thêm thôi, chúng ta sẽ không bao giờ quay lại được nữa, mà rơi vào một vòng lặp không lối thoát.

"Nó sẽ giống như hiệu ứng domino vậy. Khi một mảnh đổ xuống, hàng loạt thảm họa sẽ xảy ra mà không có hồi kết." - trích lời Johan Rockström, đồng tác giả nghiên cứu.

Điều này có nghĩa Hiệp định Paris 2015 là chưa đủ?

Chưa thể nói như vậy! Steffen và Rockström nhấn mạnh rằng ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa thể xác định được ngưỡng 2°C đề ra trong hiệp định có chính xác là điểm không thể cứu vãn được nữa hay không. Tuy nhiên, nghiên cứu khẳng định rằng cột mốc ấy không hề an toàn, và chúng ta cần phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

"Lịch sử của Trái đất chưa từng rơi vào hoàn cảnh như vậy, và theo nghiên cứu thì nó mang lại rủi ro đến cả hệ thống khí hậu của hành tinh. Các quá trình bên lề sẽ khiến Trái đất nóng lên, kể cả khi chúng ta không còn thải khí nhà kính nữa" - Katherin Richardson, một chuyên gia từ ĐH Copenhagen (Đan Mạch) chia sẻ.

Hay nói cách khác, ngưỡng 2°C vẫn đang chỉ là lý thuyết. Còn thực tế như thế nào, chúng ta cần phải tìm hiểu thêm, dù rằng có thể thời gian không còn nhiều nữa.

Tham khảo: Sciecne Alert, Business Insider

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại