Nhận định nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới năm 2023, Thủ tướng nêu các giải pháp ứng phó

Ngọc An |

TTO - Nhận định năm 2023 ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều giải pháp.

Nhận định nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới năm 2023, Thủ tướng nêu các giải pháp ứng phó - Ảnh 1.

Thủ tướng trình bày báo cáo trước Quốc hội về kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 - Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 (Quốc hội khóa XV), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết dù trong bối cảnh nhiều thách thức, song vẫn đạt nhiều kết quả tích cực khi ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu.

Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Thu ngân sách 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021.

Tăng trưởng 2023 đạt hơn 8%, vẫn không chủ quan thỏa mãn

Báo cáo của Chính phủ cho thấy các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả kéo dài đã và đang được quyết liệt tháo gỡ, xử lý; thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả tích cực. Trong đó, thu được gần 16.000 tỉ đồng thất thoát, bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu được trên 22.000 tỉ đồng của các tổ chức tín dụng.

Mặc dù vậy, năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận thuận lợi, thời cơ và thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn. "Nhận diện như vậy để chúng ta không chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được", ông nói.

Trong đó, ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp.

Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng. Tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp; xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ chuyển việc với gần 40.000 người.

Nhận định nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới năm 2023, Thủ tướng nêu các giải pháp ứng phó - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tình hình thế giới năm 2023 có thể diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường - Ảnh: Quochoi.vn

Nhận định tình hình thế giới năm 2023 có thể diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, Chính phủ dự báo tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%... Các giải pháp tập trung gồm tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong đó, ông lưu ý việc cải thiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn; điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp; bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tập trung giữ vững ổn định thị trường tài chính, tiền tệ.

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tập trung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kiểm soát quyền lực.

Nhận định nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới năm 2023, Thủ tướng nêu các giải pháp ứng phó - Ảnh 3.

Báo cáo thẩm tra đánh giá cao các kết quả đạt được song cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề nóng - Ảnh: Quochoi.vn

Nhiều vấn đề nóng cần đánh giá kỹ như xăng dầu, thị trường trái phiếu

Thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận xét tỉ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình phục hồi kinh tế còn thấp khi cuối tháng 9 mới đạt hơn 20%, Chính phủ cần báo cáo rõ nguyên nhân việc triển khai chậm, cân nhắc mở rộng đối tượng, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất 2%.

Mặc dù lạm phát được kiểm soát, song giá xăng dầu trong nước tăng ở mức kỷ lục gây nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân. Có ý kiến cho rằng đà tăng lạm phát của Việt Nam có độ trễ so với thế giới, nên lạm phát dự báo sẽ có xu hướng tiếp tục tăng cao và có thể đạt đỉnh vào nửa đầu năm và sau đó giảm dần về cuối năm.

Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều phiên giảm điểm sâu. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng; cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối…

Nhắc một số vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp được xã hội quan tâm, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định tiềm ẩn nhiều rủi ro cần phải có giải pháp xử lý hiệu quả, bền vững thị trường.

Chủ động xây dựng kịch bản chuẩn bị cho mọi tình huống

Kế hoạch năm 2023, cơ quan thẩm tra thống nhất các định hướng, mục tiêu và chỉ tiêu báo cáo Chính phủ nêu nhưng đề nghị kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính ngân hàng, giá cả kinh tế, phản ứng chính sách thế giới… chủ động có giải pháp điều hành phù hợp, đặc biệt là giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao.

"Chính phủ cần bám sát thực tiễn, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, không để lỡ nhịp hồi phục sau dịch bệnh, nhất là tác động do giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất tăng cao trên thế giới. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát", chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại