Trước đó, trưa 18/9, người đàn ông tên Q tự nấu và ăn dạ dày của cá mặt thỏ (hay còn gọi là "mỹ nhân ngư").
Ngay sau khi ăn, người đàn ông này xuất hiện triệu chứng tê mặt lan dần xuống tứ chi và nôn ói. Anh Q được chuyển tới Bệnh viện quận 2 (TP HCM) cấp cứu. Nhập viện, anh Q hôn mê ngay sau khi nói "ăn bao tử cá mặt thỏ".
Hình ảnh cá mặt thỏ hay còn gọi là "mỹ nhân ngư"
Cá mặt thỏ là loài có hình thù quái dị. Loài cá này được gọi là cá mặt thỏ hay cá nóc đầu thỏ do thân cá nóc nhưng phần đầu lại rất giống mặt của thỏ. Không chỉ vậy, phần đuôi cá còn mang đặc điểm của loài cá mú.
Đặc biệt, hàm răng cá có cấu hình sắc nhọn giống như răng thỏ. Đây là một loài cá khá hung tợn, gây nhiều khó khăn cho người dân khi đánh bắt. Loài cá này thường xuyên xuất hiện phổ biến tại khu vực biển miền Trung đặc biệt là huyện đảo Lý Sơn (Quãng Ngãi), Bình Thuận.
Với những người sành ăn thì loài cá này còn có một tên gọi đặc biệt khác là "mỹ nhân ngư". Sở dĩ có tên gọi như vậy vì cá mặt thỏ có giá trị kinh tế rất cao.
Da cá có thể làm nguyên liệu chế tạo hoạt chất collagen tái tạo mô cho các bệnh nhân. Phần thịt cá có thể chế tạo thành nhiều món ăn hấp dẫn. Do vậy, giá bán của loài cá này rơi vào khoảng 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng/kg tùy kích thước và cân nặng.
Cận cảnh cá mặt thỏ đã được lột da để chuẩn bị chế biến các món ăn.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Bát, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản cho rằng: "Cá đầu thỏ (cá nóc đầu thỏ chấm tròn) là một trong 8 loại cá có độc nguy hiểm nhất tại Việt Nam. Cụ thể, độc tố của loài cá này có sự phân bổ khác nhau ở từng bộ phận. Độc tố tập trung nhiều nhất ở các bộ phận nội tạng như trứng, gan, dạ dày.
Thịt và da thường ít độc hơn. Loại độc mà cá đầu thỏ mang là Tetrodotoxin. Đây là chất độc cực mạnh, có thể khiến một người trưởng thành khỏe mạnh tử vong chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Độc tính của cá nóc thường tăng cao vào các tháng 2-3 và 7-9 trong năm, đây cũng là mùa sinh sản của cá nóc. Cá nóc sống ở vùng nước khác nhau cũng có thể cho lượng độc tính không giống nhau".
Trước sự nguy hiểm của độc tố này nhiều người dân tỏ ra băn khoăn với cách xử trí khi xuất hiện các triệu chứng do ngộ độc khi không may ăn phải cá đầu thỏ.
PGS.TS Trịnh Bảo Ngọc, giảng viên cao cấp Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội trao đổi: "Trong khuyến cáo của Bộ Y tế, cá nóc là một loại thực phẩm không được phép sử dụng.
Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều cá nóc chứ không chỉ riêng cá đầu thỏ nhưng chỉ có 6 đến 8 loài không chứa độc tố. Tuy nhiên, người dân thường chỉ dựa vào tư duy kinh nghiệm để phân loại nên dễ ăn phải các loại cá có độc".
PGS.TS Trịnh Bảo Ngọc, giảng viên Đại học Y Hà Nội.
Về cách xử trí, theo PGS.TS Trịnh Bảo Ngọc, biểu hiện đầu tiên khi nhiễm độc từ cá nóc là buồn nôn, đau đầu, chóng mặt hoặc tê đầu lưỡi. Chất độc trong cá nóc sẽ nhanh chóng tấn công hệ thần kinh.
Do đó, khi ăn cá nóc, nếu xuất hiện biểu hiện này, người nhà cần nhanh chóng làm mọi cách để bệnh nhân có thể nôn ói để thức ăn ra ngoài. Nếu trong nhà có than hoạt tính thì cho người ăn sử dụng ngay. Sau thực hiện các thao tác này thì phải đưa bệnh nhân đến ngay các cơ ở y tế gần nhất.
"Người dân không nên tự chế biến lẫn sử dụng các loại thực phẩm đã được Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng như cá nóc vì rất khó để có thể kiểm chứng được loại chúng không chứa độc tố nếu chỉ bằng tư duy kinh nghiệm chưa kể các khâu chế biến, sơ chế không đảm bảo", PGS.TS tư vấn thêm.