Thời gian qua, câu chuyện về hình ảnh cô Văn Thùy Dương (Phó Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh) phát biểu giữa sân trường không một bóng người ngày khai giảng đã gây sốt CĐM.
Bên cạnh gọi tên đây là khoảnh khắc lịch sử, minh chứng cho một năm học đặc biệt thì hình ảnh 1 vết xăm nhỏ trên cổ cô Dương cũng gây xôn xao.
Hình ảnh phát biểu giữa sân trường không một bóng người của cô Văn Thùy Dương gây bão MXH
Mới đây, quán quân Olympia Phan Minh Đức (năm thứ 10) đã nêu quan điểm về việc xăm hình. Anh chàng cho hay không bình luận về sự việc xăm hình của cô Dương, mà chỉ dựa trên một số quan điểm cá nhân để nói về việc xăm hình của giáo viên quốc tế.
Phan Minh Đức nhận định: "Không phải chúng ta luôn dạy học sinh không nên đánh giá con người qua vẻ bề ngoài sao?".
Quán quân Olympia mùa thứ 10 - Phan Minh Đức
Nhận xét về việc xăm hình của giáo viên, nam Quán quân Olympia cho hay:
"- Xăm mình đối với giáo viên Úc:
Ở Úc theo mình được biết thì không có quy định về hình xăm cho giáo viên, và trên thực tế thì có không ít giáo viên có hình xăm trên người. Việc yêu cầu mặc trang phục để che hình xăm sẵn có là tuỳ vào quy định của từng trường.
Khi mình còn dạy thêm Toán tại một trung tâm bồi dưỡng, mình có làm cùng Luke, một giáo viên người Úc với hình xăm trên cánh tay. (Thầy Luke dạy Sinh học tại một trường cấp 2, và ở Úc thì chỉ có hai cấp thôi, không phải ba như ở Việt Nam mình).
Mình tò mò hỏi han, thầy giáo ấy có chia sẻ rằng những ngày đầu mới tới dạy ở trường, thầy cũng cẩn thận mặc áo dài tay che đi hình xăm, nhưng rồi một thời gian sau thì cũng không quá chú ý đến nữa.
Mình ngạc nhiên khi biết học sinh không quan tâm lắm đến chuyện giáo viên của mình có hình xăm hay không, nhưng ngẫm lại thì mình cũng chưa bao giờ đếm xem người dạy mình có bao nhiêu hình xăm trên người cả.
Mình vẫn nhớ câu nói của thầy Luke trước khi vào lớp: "Không phải chúng ta luôn dạy học sinh không nên đánh giá con người qua vẻ bề ngoài sao? Tôi tin học sinh của tôi sẽ đánh giá dựa trên việc tôi dạy như thế nào thôi."
- Hình xăm có từ bao giờ?
Nói về xăm mình, bằng chứng khảo cổ học cho thấy hình xăm đã xuất hiện từ cách đây hơn 5000 năm và là một dấu ấn đậm nét văn hóa của loài người.
Ví dụ, có thể nhắc tới hình xăm của người băng (iceman) tên Ötzi, gần biên giới giữa Áo và Ý hiện nay, hay hình xăm của hai xác ướp Ai Cập cổ đại từ Gebelein, nay là Naga el-Gherira (Deter-Wolf et al., 2016, Friedman et al., 2018).
Ở Việt Nam theo mình biết thì chưa có bằng chứng khảo cổ học về hình xăm, nhưng ghi chép trong lịch sử cho thấy tục xăm mình đã có từ thời Hùng Vương. Phần đầu của sách Lĩnh Nam chích quái (1982) có ghi thế này: Lúc ấy, dân sống ở ven rừng, xuống nước đánh cá thường bị giống giao long làm hại, bèn nói với vua.
Đáp: "Giống sơn man và giống thủy tộc có thù với nhau, thường ghét nhau cho nên hại nhau đó". Khiến người đời lấy mực xăm vào mình theo hình Long Quân, theo dạng thủy quái. Từ đó, dân không bị tai họa giao long làm hại nữa.
Tục xăm mình của dân Bách Việt cũng bắt đầu từ đấy. Và chắc hẳn nhiều người còn nhớ truyện quân lính nhà Trần xăm lên tay hai chữ "Sát Thát" khi đánh giặc để tỏ rõ quyết tâm chống giặc ngoại xâm.
- Never judge a book by its cover - Đừng bao giờ đánh giá một việc qua vẻ bề ngoài
Lan man một chút để thấy rằng xăm mình cũng có một lịch sử khá lâu dài, cả trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Hình xăm đi liền với sự tiêu cực bắt đầu từ thế kỉ XIX ở phương Tây, khi việc xăm mình thường gắn với tội phạm hay băng đảng.
Tuy nhiên, nếu nói ai xăm hình cũng là người xấu thì có lẽ hơi quá. Tất nhiên, việc quyết định có hình xăm nên được cân nhắc kĩ, vì điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới cuộc sống cá nhân mỗi người. Nhưng vì là quyết định cá nhân, nên ta hãy tôn trọng chứ không phán xét.
Đối với mình, việc có hay không có hình xăm sẽ không thành vấn đề, nếu hình xăm đó không phản cảm và không làm giảm hiệu quả công việc của bạn. Và mình tin rằng, giống như học sinh của thầy Luke, chúng ta sẽ biết đánh giá mỗi người bằng năng lực thực sự của họ, chứ không qua vẻ bề ngoài".