Theo lời kể của một giáo viên trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An trên báo Người lao động, ngày 28/2, 4 phụ huynh đã tới trường Tiểu học Bình Chánh phản ánh về việc cô N. bắt học sinh quỳ gối tập thể vì không làm bài, không thuộc bài và nói chuyện trong giờ học.
Có một số học sinh không vi phạm nhưng do phạt tập thể nên phải quỳ gối luôn. Khi biết mình sai, cô đã nhận lỗi và hứa khắc phục sai sót. Dù vậy, phụ huynh vẫn không đồng tình.
Bị sức ép, cô N. nói: "Vậy tôi sẽ quỳ tại đây". Lúc này, hiệu trưởng Huỳnh Công Sơn đại diện trường xin lỗi phụ huynh, đồng thời hứa sẽ có biện pháp xử lý đối với cô giáo. Ông nói: "Thôi cô không được quỳ" rồi rời khỏi phòng.
Tuy nhiên, do bị các phụ huynh làm áp lực, cô N. phải quỳ trước mặt 4 phụ huynh, có sự chứng kiến của một số giáo viên của trường.
Ông Phạm Hữu Vốn, Chủ tịch Hội Phụ huynh học sinh trường Tiểu học Bình Chánh cho biết, trước đây, ông Thuận là cán bộ tư pháp của một xã thuộc huyện Thủ Thừa và là Đảng viên sinh hoạt chi bộ ấp.
"Tôi đã xin ông Thuận để cô N. khắc phục nhưng ông Thuận không nói gì. Nếu bắt cô quỳ vậy có chuyện gì thì sao. Tôi kêu ông Thuận nói là một chút thấy cô quỳ phải đỡ cô lên. Làm vậy tội lắm.
Vậy mà ông Thuận kêu phải quỳ đúng 40 phút mới chịu. Ổng về nhà còn ca ngợi là đụng tới con ổng là phải vậy. Lúc bắt cô giáo quỳ ông Thuận còn nói là:"Tôi thấy mặt cô là tôi không ưa rồi đó"", ông Vốn nói trên Người lao động.
Ông Trần Văn Tươi, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức thông tin trên báo Giao thông vận tải, đã thành lập tổ xác minh vụ cô N., bị phụ huynh bắt quỳ gối xin lỗi tại trường. Đồng thời, Uỷ ban kiểm tra Huyện ủy Bến Lức cũng đã ra quyết định kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm đối với ông Võ Hồng Thuận.
Liên quan đến việc cô N. bị phụ huynh bắt quỳ gối xin lỗi, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nhận định trên báo Tuổi trẻ: "Về nguyên tắc, nếu giáo viên sai so với quy định hiện hành thì phải nhận trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp.
Tuy nhiên bên cạnh đó, bất kể hình thức làm nhục, xúc phạm danh dự, ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp của người giáo viên cũng là vi phạm nhân quyền và cần phải lên án, thậm chí có hình thức xử lý nếu như vi phạm pháp luật".
Cũng theo ông Minh, ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ GD-ĐT đã chủ động liên hệ với cơ sở để xác minh thông tin.
Tổng hợp