Nhân chứng thảm họa Holocaust lần đầu đến Việt Nam kể chuyện 3 lần trốn thoát khỏi phát xít

Lan Hương |

Trong ký ức của mình, Betty Eppel vẫn nhớ hình ảnh mẹ bà đang ngân nga bài hát "My Yiddishe Momme" (Người mẹ Do Thái của tôi) trong ngôi nhà ở làng Valenciennes, miền bắc nước Pháp. Năm lên 7 tuổi, Betty Eppel không biết được rằng, đó sẽ là lần cuối bà gặp mẹ và em trai.

Bà Betty Appel (trái) tại buổi lễ sáng 29/3 tại Hà Nội. Ảnh: Quốc Đạt.

Bà Betty Appel (trái) tại buổi lễ sáng 29/3 tại Hà Nội. Ảnh: Quốc Đạt.

Holocaust là thuật ngữ chỉ nạn diệt chủng Do Thái và các nhóm thiểu số khác do Đức Quốc xã thực hiện ở châu Âu trong Thế chiến thứ II. Hơn 6 triệu người Do Thái đã qua đời trong thảm kịch này.

Ngày 29/3, lễ tưởng niệm các nạn nhân trong nạn diệt chủng Holocaust diễn ra tại Hà Nội, với sự đồng tổ chức của Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Liên hiệp quốc tại Việt Nam, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, với thông điệp "Không bao giờ được lãng quên và học lấy bài học hòa bình".

Tham dự sự kiện có Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Hòa bình Việt Nam Trần Đắc Lợi; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga; Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis, Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer, Đại sứ Đức tại Việt Nam, Tiến sĩ Guido Hildner; học sinh, sinh viên đến từ Trường Phổ thông Thực nghiệm Hà Nội và Học viện Ngoại giao.

"Người mẹ Do Thái của tôi

Tôi nhớ bà hơn bao giờ hết

Người mẹ Do Thái của tôi

Tôi khao khát được hôn lên vầng trán nhăn nheo của bà

Tôi khao khát được nắm tay bà một lần nữa"

Ba lần suýt chết

Sau khi Đức Quốc xã xâm chiếm nước Pháp, số người Do thái bị tàn sát ngày càng nhiều. Quá lo sợ, bố bà quyết định đưa bà và em trai đến nơi an toàn hơn. Ngày hôm đó, bố Betty bế em trai Jaqques 5 tuổi và dắt Betty, lúc đó lên 7, đến ở với một cặp vợ chồng trẻ ở một thị trấn gần đó.

Nhiều năm sau, Betty mới biết rằng cha mẹ bà đã bị đưa đến trại tập trung Auschwitz vào ngày 11/9. Cha bà đã trốn thoát, sau đó đón bà và em trai, gửi theo người họ hàng xuống một sà lan chở than để chạy trốn đến miền nam nước Pháp.

Là một đứa trẻ 7 tuổi, trong tâm trí Betty lúc đó chỉ có nỗi sợ: sợ bóng tối, sợ lạnh. Bà không dám bước lên thuyền.

"Nếu con không đi, khi quân Đức đến, chúng ta sẽ chết", bố bà nói. Betty buộc phải bước lên thuyền và ở trên chiếc sà lan trong 3 ngày xuôi về miền nam nước Pháp.

"Chúng tôi chỉ có một chút nước và bánh quy. Tôi đã rất sợ hãi", bà kể lại.

Betty liên tục hỏi về mẹ và cậu em trai 2 tuổi. Bố bà trấn an rằng mẹ và em sẽ sớm được đưa đến đây. Nhưng Betty không biết rằng sẽ chẳng có ngày đó.

Đột nhiên, có người la lớn bằng tiếng Đức. Bố bà ra hiệu im lặng, rồi vội vàng đưa cho bà và em trai mẩu giấy ghi những cái tên mới và nói: "Từ giờ con có tên mới. Và hãy nhớ, con không phải là người Do Thái".

"Trái tim tôi như thắt lại", nhân chứng hiếm hoi của thảm họa Holocaust nhớ lại.

Ngoài 2 lần đó, trong tuổi thơ của bà còn trải qua một vài lần suýt chết như vậy.

Đến ngôi làng Dullin ở miền nam nước Pháp, 2 chị em Betty và Jacques may mắn được gia đình Josephine and Victor Guicherd che chở và nuôi dưỡng.

"Đó là khoảng thời gian hạnh phúc khi tôi được đi học, có bạn bè", Betty nhớ lại.

Một lần, khi lính Đức đến Dullin để truy lùng các trẻ em Do Thái tại đây, ông Victor Guicherd đã nhanh trí đưa Betty và em trai trốn trong một thùng gỗ rỗng. Nhờ đó mà 2 đứa trẻ sống sót.

"Tôi đã may mắn sống sót thêm một lần nữa, như một điều kỳ diệu. Trải qua những điều như vậy, tôi thấy thật may mắn khi có được cuộc sống như hiện nay", Betty chia sẻ sáng 29/3 tại Hà Nội.

Nỗi ám ảnh từng không dám đối mặt

Sau khi lập gia đình vào năm 1964 và định cư ở Jerusalem, bà kết hôn với nhà báo David Eppel, người gốc Scotland của Đài phát thanh Israel, có hai con, đồng thời dạy tiếng Pháp tại Bộ Ngoại giao.

"Tôi đã có một cuộc sống tốt đẹp!"

Hầu như trong những năm đó, bà không xem những bộ phim hay tin tức, sách báo liên quan đến sự kiện Holocaust. Bà né tránh mọi thứ. Những gì đã trải qua là một cú sang chấn tâm lý mà bà không muốn nhắc tới.

Thậm chí, Betty vẫn không biết gì về tin tức của mẹ và em trai mình. Đúng hơn, Betty không đủ can đảm để tìm hiểu về những gì đã xảy ra với mẹ và em trai.

"Trước đây tôi chưa từng dám chia sẻ hay tìm những câu chuyện quá khứ để hiểu chính mình", bà nói trước những khán giả tại Hà Nội.

Cho đến khi Betty nhận được một email chứa những bức ảnh của mẹ và em trai, về những chi tiết đau lòng về ngày cuối cùng của 2 người.

Mẹ của bà - bà Perla và em trai 2 tuổi đã đến doanh trại Maline ở Bỉ vào ngày 9/12/1942 trong cuộc vây bắt lớn ở miền bắc nước Pháp của cảnh sát Đức và hiến binh Pháp, bức thư viết.

Bức thư nói rằng mẹ và em trai của Betty nằm trong số hơn 500 người Do Thái được chuyển đến Maline và sau đó được đưa đến trại tập trung Auschwitz-Birkenau cùng hơn 1000 người khác.

Tại đây, 716 người Do Thái đã bị sát hại trong phòng hơi ngạt, 331 người khác bị cưỡng bức lao động. Trong số này, 25 người sống sót vào ngày 27/1/1945, khi Auschwitz được Hồng quân giải phóng.

Khả năng một người phụ nữ và con trai 2 tuổi của bị đưa đi cưỡng ép lao động là thấp, và có khả năng họ bị đưa vào phòng hơi ngạt ngay sau khi đến Auschwitz, nghiên cứu này cho hay.

"Tôi không thể ngủ được sau khi đọc bức thư đó. Tôi cần làm gì đó. Chúng ta phải tiếp tục chiến đấu. Đó là điều tôi học được từ mẹ mình", Betty nói.

"Ngày hôm nay, tôi tin rằng rất quan trọng để nói về những gì đã xảy ra với chúng tôi, bởi chúng tôi là những nhân chứng cuối cùng. Sau khi chúng tôi rời khỏi thế giới này, ai sẽ có thể kể về những điều chúng ta đã chứng kiến?", bà nói thêm.

Chúng ta ở đây hôm nay là chứng minh cho việc tưởng nhớ các nạn nhân, đảm bảo những gì liên quan tới Holocaust không bị lãng quên. Tôi là đại diện đến từ một quốc gia gây ra tội ác. Holocaust không chỉ là phần quan trọng trong lịch sử Do Thái mà còn của nước Đức, là sự vi phạm nhân quyền về mặt phạm vi cũng như sự hủy diệt hung ác, là vết đen không thể chối bỏ trong lịch sử.

Đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của nước Đức. Để hiểu về sự kiện này, tôi đã tới thăm các trại tập trung, đọc các thông tin từ sách báo, từ những hiểu biết tôi nhận được tôi cho rằng không thể để những nỗi đau như Holocaust tái diễn trong tương lai.

Ông Guido Hildner, Đại sứ Đức tại Việt Nam

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại