Nhân chứng hiếm kể chuyện Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập

Kiến Nghĩa |

Hai bậc lão thành Cách mạng Lê Đức Vân và Nguyễn Tiến Hà hiện là Trưởng và Phó Ban liên lạc Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Tham gia Cách mạng khi chưa đến tuổi đôi mươi, và nay cùng ở tuổi 95, nhưng ký ức về Cách mạng Tháng Tám và lễ Tuyên ngôn Độc lập vẫn vẹn nguyên trong ký ức của hai nhân chứng hiếm này.

Thanh niên cứu quốc tham gia Tổng khởi nghĩa

Đến nhà ông Lê Đức Vân, tôi may mắn được gặp ông Nguyễn Tiến Hà tại đây. Mở đầu câu chuyện, ông Lê Đức Vân, Trưởng Ban liên lạc Đoàn thanh niên cứu quốc (TNCQ) thành Hoàng Diệu cho biết, năm 1944, Mặt trận Việt Minh chủ trương thành lập một tổ chức thanh niên Hà Nội để nhận các nhiệm vụ xung kích của phong trào cách mạng. Tháng 8/1944, tại 46 phố Bát Đàn (nhà của gia đình ông Lê Đức Vân), một tổ chức với nhiệm vụ “xung kích” được ra đời, mang tên Đoàn TNCQ thành Hoàng Diệu. Đoàn gồm 60 đoàn viên, trong đó có rất đông học sinh các trường như Thăng Long, Bưởi, Gia Long, Đồng Khánh… tham gia. Thời gian đầu, Đoàn TNCQ thành Hoàng Diệu hoạt động bí mật, nên có không ít đoàn viên đã đổi tên khác, như Nguyễn Hữu Phúc đổi thành Lê Đức Vân, Nguyễn Hữu Tự thành Nguyễn Tiến Hà. “Những tên được đổi này đã theo tôi và anh Hà đến tận ngày nay”- ông Lê Đức Vân cho biết.

“Bản Tuyên ngôn Độc lập đã xác định vị thế của dân tộc Việt Nam với thế giới, khi người dân nước ta từ nay có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập”.

Ông Nguyễn Tiến Hà

Sau một thời gian hoạt động bí mật, Đoàn TNCQ thành Hoàng Diệu chuyển dần sang công khai. Các đoàn viên thường xuyên đến các trường học, chợ, xí nghiệp, rạp chiếu phim… để tuyên truyền về Mặt trận Việt Minh, về tinh thần đấu tranh giành độc lập nước nhà. Đặc biệt, Đoàn TNCQ thành Hoàng Diệu còn đứng ra tổ chức để phá các cuộc mít tinh lớn do địch tổ chức tại Mễ Trì, núi Nùng. “Việc phá những cuộc mít tinh đó là tiền đề chúng tôi phá cuộc mít tinh lớn trước khởi nghĩa Tháng Tám sau này”- ông Lê Đức Vân cho biết. Rồi ông kể, ngày 17/8/1945, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim đã tổ chức một cuộc mít tinh tại Nhà hát Lớn để khuếch trương thanh thế. Trước sự kiện này, Mặt trận Việt Minh đã chủ trương biến cuộc mít tinh trên thành cuộc vận động nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Để thực hiện nhiệm vụ này, các tổ chức của Mặt trận Cứu quốc (trong đó có Đội TNCQ thành Hoàng Diệu) đều sẵn sàng nhận lệnh.

Hôm đó, vào hai giờ chiều, khi Ban tổ chức vừa công bố khai mạc cuộc mít tinh thì một thành viên của Đội TNCQ thành Hoàng Diệu xuất hiện giành lấy micro đưa cho chị Từ Trang Anh để dõng dạc báo tin Phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng Minh và hô hào nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Cùng lúc đó, trên tầng hai của Nhà hát Lớn, một lá cờ đỏ sao vàng to được buông xuống, trong khi phía dưới nhiều thanh niên xung kích phất những lá cờ đỏ cầm trong tay, miệng hô vang sẵn sàng góp sức mình để giành độc lập cho nước nhà. Tiếp đó, trên diễn đàn, chị Trang Anh trao micro cho chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng (thành viên Đảng Dân chủ) đọc bài diễn văn hô hào nhân dân khởi nghĩa, ủng hộ Việt Minh.

Trước sự việc diễn ra quá nhanh, người của chính phủ Trần Trọng Kim lúng túng không kịp phản ứng, rồi họ thực sự hoảng sợ khi phần lớn những người tham gia mít tinh đồng loạt hô: “Ủng hộ Việt Minh” “Đả đảo chính phủ bù nhìn”, “Việt Nam độc lập”… Sau đó, các tổ chức của Mặt trận Cứu quốc chia thành từng nhóm đưa đồng bào đi diễu hành qua các con phố, đến 21 giờ cùng ngày mới dừng.

Nhân chứng hiếm kể chuyện Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập - Ảnh 2.

Các lực lượng Cách mạng chiếm Bắc Bộ phủ ngày 19/8/1945. Ảnh T.L

Sau thắng lợi trên, ngay tối 17/8, Thành ủy Hà Nội và Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội đã tiến hành họp gấp để quyết định khởi nghĩa giành chính quyền. Ông Lê Đức Vân được dự họp với tư cách là người đại diện của Đội TNCQ thành Hoàng Diệu. Cuộc họp hôm đó kéo dài từ 23 giờ ngày 17/8 đến 4 giờ ngày 18/8 để quyết định sẽ Tổng khởi nghĩa vào ngày 19/8. Trong ngày Tổng khởi nghĩa, lực lượng của ta chia thành hai mũi chiếm trại Bảo An binh và Bắc Bộ phủ.

Tại Bắc Bộ phủ, lực lượng bảo vệ ở đây nhanh chóng hạ vũ khí đầu hàng. Còn tại trại Bảo An binh, dù không chống đối nhưng lực lượng bảo an cũng không chịu mở cửa. Trong khi đó, bên ngoài trại Bảo An binh có 4 xe tăng của Nhật canh ở 4 góc và chĩa súng về phía ta. Trước tình huống này, đại diện lực lượng cách mạng đã gặp tư lệnh quân Nhật ở Hà Nội để trao đổi, và sau đó xe tăng địch rút lui để quân ta vào chiếm trại Bảo An binh. Cuối chiều ngày 19/8, toàn bộ cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn đã bị lực lượng Cách mạng chiếm giữ.

Nhân chứng hiếm kể chuyện Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập - Ảnh 3.

Lão thành Cách mạng Lê Đức Vân (trái) và Nguyễn Tiến Hà. Ảnh: Kiến Nghĩa

Ông Lê Đức Vân cho biết thêm, sau Cách mạng Tháng Tám, trước ngày 2/9/1945 ít hôm, ông có dịp đi cùng một đoàn vào yết kiến Hồ Chủ tịch. Khi gặp, ông chỉ biết đó là một vị lãnh đạo, mà không thể biết đó là Bác Hồ. Đến ngày 2/9, ông nhận trọng trách chỉ huy lực lượng bảo vệ vòng ngoài tại khu vực ngoại thành, nên không thể tham dự lễ Tuyên ngôn Độc lập.

Lắng đọng giờ phút Tuyên ngôn Độc lập

Có dịp hỏi chuyện ông Nguyễn Tiến Hà, tôi mới biết ông là em trai ông Tạ Quang Chiến (tên thật là Nguyễn Hữu Văn - PV), một thành viên trong Đội cận vệ bảo vệ Bác Hồ năm xưa. Ông Hà cho biết, trước ngày 2/9/1945, Đội TNCQ thành Hoàng Diệu cùng một số tổ chức khác nhận nhiệm vụ thông báo, vận động nhân dân tham dự lễ Tuyên ngôn Độc lập. Ngày đó, đi đến đâu các thành viên Đội TNCQ thành Hoàng Diệu cũng thấy mọi người hồ hởi đón nhận tin vui này và mong mỏi đến ngày đó để chứng kiến giờ phút trọng đại của dân tộc.

“Tối 1/9, tôi không ngủ được, hôm sau mặc trang phục chỉnh tề từ sớm để cùng các thành viên Đội TNCQ thành Hoàng Diệu hòa vào dòng người tới Quảng trường Ba Đình để tham dự lễ Tuyên ngôn Độc lập”- ông Nguyễn Tiến Hà cho biết. Rồi ông kể, trong ngày lễ đặc biệt này, tại Quảng trường Ba Đình, không chỉ nhân dân khu vực nội thành mà cả người dân ngoại thành Hà Nội và những tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hà Nam… cũng nô nức tới tham dự lễ Tuyên ngôn Độc lập.

Trong biển người tham dự buổi lễ, ngoài đông đảo người dân, có những thanh niên cứu quốc mặc đồng phục quần xanh, áo trắng; thiếu nữ Thủ đô mặc áo dài trắng; dân quân ngoại thành mặc áo nâu, thắt lưng chẽn; phụ nữ nông thôn vấn tóc, mặc áo tứ thân… Tất cả mọi người đều phấn khởi chờ đón sự ra mắt của phái đoàn Chính phủ lâm thời.

Chiều 2/9/1945, lễ Tuyên ngôn Độc lập chính thức bắt đầu. Bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao được cử hành trong buổi lễ. Nhìn lên lễ đài, ông Nguyễn Tiến Hà thấy một cụ già dáng cao gầy, mặc bộ quần áo ka ki sáng màu, được giới thiệu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu thành viên Chính phủ lâm thời. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, cả quảng trường lặng im lắng nghe. Chợt Người ngừng lời, ôn tồn hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”, thì tất cả mọi người cùng đồng thanh đáp “có”. “Nghe câu hỏi của Bác khi đó, tôi vô cùng xúc động trước tình cảm của Người dành cho người dân trong ngày lễ trọng đại của dân tộc. Câu hỏi giản dị này đã nối liền khoảng cách giữa Hồ Chủ tịch với nhân dân, tạo thành một khối liên kết bền chặt giữa lãnh tụ và quần chúng, để đất nước ta bước vào một trang sử mới”- ông Nguyễn Tiến Hà bồi hồi chia sẻ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại