Chiều 2/12, nhạc sĩ Dương Cầm, biên kịch Đinh Tiến Dũng, đạo diễn - NSƯT Phùng Tiến Minh và chỉ đạo nghệ thuật NSND Huỳnh Tấn Minh... đã có buổi gặp gỡ giới truyền thông để chia sẻ về vở nhạc kịch mang tên Giấc mơ Chí Phèo. Dự án này được các nghệ sĩ ấp ủ từ nhiều năm trước và được cảm tác từ truyện ngắn của nhà văn Nam Cao.
Theo nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất Dương Cầm chia sẻ, Giấc mơ Chí Phèo là vở nhạc kịch mang đậm màu sắc broadway quốc tế. Nói về lý do thực hiện vở nhạc kịch, Dương Cầm cho hay: " Giữa rất nhiều "món ăn" nghệ thuật và giải trí, tôi cho rằng nhạc kịch đang là xu hướng thưởng thức của khán giả. Từ trước đến nay, chúng ta làm nhạc kịch, tuy nhiên ở góc độ của một người làm âm nhạc tôi cho rằng những vở nhạc kịch ấy vẫn chưa đạt được yếu tố chuẩn broadway.
Từ nhu cầu thực tế và mong muốn khán giả đại chúng Việt Nam được thưởng thức nhạc kịch của người Việt theo chuẩn nhạc kịch chuẩn quốc tế. Chúng tôi nỗ lực biến Giấc mơ Chí Phèo trở thành thương hiệu musical made in Vietnam. Nhiều hơn cả sự chuẩn broadway đó là văn hoá, là sản phẩm nghệ thuật, là bản sắc của con người Việt Nam. Tôi nghĩ rằng người Việt ăn đồ ăn Việt là ngon nhất".
Với vở nhạc kịch dài Giấc mơ Chí Phèo, ê kíp thực hiện không đi sâu vào mô tả hiện thực đời sống của tầng lớp con người trong xã hội phong kiến mà hướng tới yếu tố lãng mạn trong câu chuyện lứa đôi của Chí Phèo và Thị Nở. Đảm nhận vai Chí Phèo là ca sĩ Đông Hùng và Hoàng Thái Phương con gái của nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền vai Thị Nở. Cả hai nghệ sĩ đều sở hữu giọng hát tốt và khả năng diễn xuất bất ngờ.
Chia sẻ về sự ra đời của kịch bản, MC, biên kịch Đinh Tiến Dũng nói: "Tôi đọc nguyên tác Chí Phèo của nhà văn Nam Cao nhiều lần, ở nhiều giai đoạn trưởng thành khác nhau của nhận thức. Tôi tưởng tượng ra rằng với thời đại của mình, nhà văn Nam Cao sẽ chỉ nhìn thấy một vòng lặp Thiện - Ác bất tận, khi Bá Kiến chết đi, Lý Cường con trai lão sẽ lên thay.
Thị Nở ôm cái bụng bầu nhìn ra lò gạch, tức là ở cái lò gạch đó, lại sẽ có một Chí Phèo mới ra đời, rồi sẽ lại đi ở đợ cho nhà Lý Cường, rồi lại phải bóp chân cho một bà vợ nào đó của Lý Cường, cứ thế, cứ thế… vòng lặp đau khổ quay mãi.
Nhà văn Nam Cao sẽ không thể biết được là ngày nay làng Vũ Đại đã thanh bình và có nghề kho cá ngon nổi tiếng, bán đi khắp nơi trên thế giới với giá mà xưa chắc chỉ nhà Bá Kiến đủ tiền ăn thường xuyên. Vậy tức là sẽ có lúc vòng lặp đau khổ kia bị "chặt đứt", xuất phát từ suy nghĩ đó, tôi đã bắt tay vào viết kịch bản Giấc mơ Chí Phèo này".
Có mặt tại buổi gặp gỡ, đạo diễn - NSƯT Phùng Tiến Minh đã không ngần ngại dành lời có cánh cho vai trò của Dương Cầm và NSND Tấn Minh trong vở nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo: "Điều đầu tiên tôi đánh giá cao tài năng của Dương Cầm, sự ứng biến và sức cảm thụ, tư duy của Dương Cầm rất sát với musical, màu sắc classic của Dương Cầm rất đậm đặc và hấp dẫn sát với hơi thở của cuộc sống bây giờ.
Thậm chí kể cả đưa về Việt Nam những năm đầu thập kỷ XX của Chí Phèo thị nở thì cầm có những góc nhìn và biến từ những góc nhìn chuyển thành màu sắc âm nhạc rất thông minh, rất giỏi. Còn với vai trò lãnh đạo của anh Tấn Minh cho thấy đây là một quyết định rất táo bạo, một nỗ lực rất lớn của Nhà hát khi chinh phục một món ăn "nghệ thuật cao cấp" chiêu đãi khán giả yêu nhạc kịch trong và ngoài nước".
Theo thông tin từ nhà sản xuất vở nhạc kịch sẽ chính thức công diễn ngày 23/12/2024 tại nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Tuy nhiên hiện tại vở nhạc kịch cũng đã đoạt được nhiều giải thưởng, huy chương vàng từ Liên hoa Ca múa nhạc toàn quốc vừa qua.