Nhắc nhở của Tòa trọng tài

Danh Đức |

Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague đã ra thông cáo ấn định ngày tuyên định vụ tài phán của Philippines chống lại Trung Quốc là vào thứ ba 12-7.

Thông cáo ngày 29-6 của PCA là nhằm chấm dứt: (1) mọi cãi cọ phi lý và phi luật pháp, cụ thể là phi-UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển); (2) mọi trò chiêu dụ nước này, nước kia nghe theo cách hiểu Luật biển một cách "đạp đổ" tòa cùng luật pháp quốc tế.

Trên một bình diện khác, qua thông cáo này, tòa còn nhằm giới thiệu sơ lược các nội dung mà tòa sẽ đưa ra trong 
phán quyết:

1- Về tính thẩm quyền hợp pháp của tòa: Tòa được thành lập ngày 21-6-2013 phù hợp với các thủ tục quy định tại phụ lục VII của UNCLOS để phân xử vụ tranh chấp được Philippines đưa ra.

2- Tòa lần đầu tiên chính thức nhắc đến một thực tế rất phi-UNCLOS là "Trung Quốc liên tục nhắc lại lập trường của mình là không chấp nhận thủ tục tố tụng trọng tài và không tham gia".

Và tòa trả lời một lần cuối rằng "phụ lục VII của công ước (đã) quy định việc thành lập một tòa án cho dù thiếu sự tham gia của một bên và (đã) tuyên cáo rằng sự vắng mặt của một bên hay việc một bên không tự biện hộ không hề ngăn trở diễn biến tố tụng".

Còn về việc Trung Quốc không tham gia, tòa cũng dẫn phụ lục VII quy định rằng trong trường hợp một bên không tham gia quá trình tố tụng, tòa án "phải tự mình trả lời không phải chỉ mỗi việc có thẩm quyền đối với vụ tranh chấp mà còn cả với việc xét xem đơn kiện có hội đủ nền tảng thực tế và pháp luật hay không".

Chính vì vậy mà PCA đã mở phiên điều trần sơ bộ trong thời gian từ ngày 7 đến 13-7-2015, và tòa đã tuyên định có thẩm quyền cũng như chấp nhận các kiện cáo của Philippines.

PCA cũng cho biết tòa có thẩm quyền thụ lý 7/15 kiện cáo của Philippines; 7 kiện cáo khác, không thể chỉ xem xét qua một phiên điều trần sơ bộ, sẽ được thụ lý sau khi được xem xét tỉ mỉ hơn; còn 1 kiện cáo còn lại, tòa đã yêu cầu Philippines gom làm một cùng với một kiện cáo khác.

PCA cũng nhấn mạnh cho cả thế giới hiểu cũng như các bên trong cuộc rằng tòa không hề thụ lý bất cứ điều gì liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và cũng sẽ không phân định bất cứ đường biên giới trên biển nào giữa các bên.

Việc tòa đặc biệt nhấn mạnh chi tiết này để vạch trần âm mưu của bên từ chối công nhận tính thẩm quyền của tòa vốn rêu rao lập luận về "chủ quyền lịch sử" nhằm đánh lạc hướng dư luận!

Có thể thấy tòa đã đi trước một bước "chiến lược" qua thông cáo công bố 13 ngày trước ngày tuyên định: Luật pháp quốc tế là như thế đấy, tốt hơn hết hãy chấp hành; còn nếu nhất định không nghe, sẽ là tự đào thải khỏi cộng đồng nhân loại.

Lịch sử, nhất là lịch sử chiến tranh và hòa bình, đã từng trải qua những thách thức tương tự: Hội Quốc Liên, ra đời sau Thế chiến thứ nhất, đã phải tan rã do không ngăn cản được phe Trục khởi động Thế chiến thứ hai.

Nay đến lượt Liên Hiệp Quốc phải có trách nhiệm ngăn cản hành vi xé bỏ UNCLOS để dẫn đến những nguy cơ rối loạn khó lường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại