Nhà vật lý học Michio Kaku nhận định: Sắp chứng minh được vật lý hiện tại có sai sót, nối liên lạc với sinh vật ngoài hành tinh là 'ý tưởng tồi'

Anh Việt |

"Hiểu theo một cách nào đó, vũ trụ là một ván cờ lớn và suốt 2.000 năm nay, ta vẫn tìm cách di chuyển quân Tốt".

Michio Kaku là giáo sư vật lý lý thuyết công tác tại đại học City College, New York. Ông là một người hưởng ứng thuyết dây có tiếng, từng xuất hiện nhiều trên TV với tư cách một tiếng nói đáng tin cậy của khoa học đại chúng.

Bên cạnh đó, Michio Kaku còn là một cây viết nổi tiếng với một loạt những đầu sách khoa học bán chạy. Tác phẩm mới nhất của ông, có tên gọi The God Equation (tạm dịch là Phương trình Thần thánh), chứa đựng những lập luận rõ ràng, mạch lạc hòng nối kết thuyết tương đối rộng của Albert Einstein với thuyết lượng tử, tạo ra “thuyết vạn vật” giải thích bản chất của Vũ trụ bí ẩn.

Đây là bài phỏng vấn Michio Kaku do phóng viên lão thành Andrew Anthony thực hiện. Bài viết được đăng tải trên The Guardian.

Nhà vật lý học Michio Kaku nhận định: Sắp chứng minh được vật lý hiện tại có sai sót, nối liên lạc với sinh vật ngoài hành tinh là ý tưởng tồi - Ảnh 1.

Michio Kaku.

Ông có tin khoa học đã gần đạt được thuyết vạn vật?

Tôi nghĩ rằng chúng ta đã có học thuyết liên quan, chỉ chưa có được phiên bản cuối cùng của nó. Ta vẫn chưa thử nghiệm được thuyết, mà nhiều những người từng giành giải Nobel đã trở thành giáo đồ của đức tin trái ngược lại với thuyết dây.

Tôi là nhà đồng sáng lập “thuyết trường dây”, một trong những nhánh chính của thuyết dây, nên cũng có “máu mặt” trong ngành đấy. Tôi cố gắng giữ cho suy nghĩ cân bằng, không thiên vị. 

Tôi cho rằng ta đang đứng trên ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới. Những thí nghiệm mới đã phát hiện ra được những sai lệch của Mô hình Vật lý Quy chuẩn. Hơn nữa, ta còn có bí ẩn xoay quanh vật chất tối. Bất cứ khám phá mới nào liên quan tới những lĩnh vực này đều có thể cung cấp bằng cớ mở ra thuyết vạn vật.

Thuyết dây liên quan nhiều tới vật lý lý thuyết, những thứ toán học khó không tưởng và những khái niệm trừu tượng tột cùng. Ông có nghĩ rằng công chúng sẵn sàng đọc hiểu những tiểu tiết xoay quanh cuộc tranh cãi này không?

Tôi cho rằng công chúng cũng tò mò muốn biết đích cuối của thuyết này là gì. Hiểu theo một cách nào đó, vũ trụ là một ván cờ lớn và suốt 2.000 năm nay, ta vẫn tìm cách di chuyển quân Tốt. Và giờ ta đang bắt đầu hiểu dần cách quân Hậu vận hành và cách có thể chiếu Tướng. 

Định mệnh của khoa học là trở thành kiện tướng, giải được bài toán khó vốn được đặt tên riêng là Vũ trụ.

Ta đặt ra những câu hỏi xuất chúng khiến toàn bộ cộng đồng muốn có được câu trả lời. Ví dụ, như những khái niệm liên quan tới du hành thời gian, chiều không gian khác hay hố giun. Điều gì xảy ra trước Big Bang? Đầu bên kia của hố đen là gì? Ta không thể có câu trả lời cho chúng chỉ nhờ tham khảo học thuyết của Einstein. Bạn phải vượt xa suy nghĩ của Einstein để bước vào phạm trù của thuyết lượng tử.

Theo ông, liệu Isaac Newton hiểu được mấy phần cuốn sách ông vừa xuất bản?

Tôi nghĩ ông sẽ đánh giá cao nó. Năm 1666, nhân loại hứng chịu đại dịch lớn. Đại học Cambridge đóng cửa, và cậu chàng lúc ấy mới 23 tuổi phải rời trường về nhà, rồi cậu thấy một quả táo rơi trong sân. Đấy là lúc cậu nhận ra luật lệ điều khiển trái táo cũng chính là luật lệ chi phối Mặt Trăng.

Vậy nên, đại dịch đã mở ra cơ hội cho Isaac Newton, để ông ngồi xuống, theo dõi các yếu tố toán học của quả táo rơi và mặt trăng lặn xuống hàng đêm. Nhưng hiển nhiên, thời đó đã làm gì có toán học phức tạp. Ông không thể giải quyết vấn đề nên ông tự tay tạo ra toán học của riêng mình. 

Đó chính là những đầu việc chúng tôi đang làm. Chúng tôi cũng vậy, cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Cũng bị giam giữ tại bàn làm việc. Và cũng như Newton, chúng tôi tạo ra một loại toán mới.

Một số nhà vật lý học cho rằng hành trình đi tìm thuyết vạn vật là lối đi sai lầm của kẻ muốn đơn giản hóa mọi thứ. Công trình nghiên cứu của ông được đón nhận ra sao trong cộng đồng này?

Tôi sẽ nói toạc móng heo vấn đề này ra: có một vết rạn trong cộng đồng, một vết nứt đã không xuất hiện suốt nhiều thập kỷ nay. Nó làm tôi nhớ tới Hội nghị Solvay, nơi Niels Bohr - một trong những cha đẻ của cơ học lượng tử bất đồng ý kiến với Albert Einstein - cha đẻ của thuyết tương đối bất đồng ý kiến; đây là một trong những màn tranh cãi nảy lửa xoay quanh thuyết lượng tử và là sự kiện đáng nhớ nhất lịch sử khoa học.

Nhà vật lý học Michio Kaku nhận định: Sắp chứng minh được vật lý hiện tại có sai sót, nối liên lạc với sinh vật ngoài hành tinh là ý tưởng tồi - Ảnh 2.

Niels Bohr và Albert Einstein, hai bộ óc lỗi lạc của khoa học.

Cũng như thế, thuyết dây tạo ra một lượng lớn hứng thú từ các nhà khoa học, mà cũng sản sinh ra nhiều ý kiến phản bác. Người ta thường hỏi rằng “bằng chứng đâu?” Nhưng thẳng thắn mà nói, chúng tôi không có bằng chứng, cũng giống như hồi 1666, Newton không có trong tay bằng chứng chứng minh cho luật bình phương nghịch đảo.

Đôi khi, toán học và ý tưởng chạy trước những dữ liệu chắc nịch chỉ có được sau thực nghiệm. Và đây là lúc Máy Gia tốc Hạt Lớn (LHC) tham gia cuộc chơi.

LHC mới gây chú ý khi tìm ra những bằng cớ cho thấy có một lực nữa đang tồn tại, phát hiện được thông qua việc quan sát cách hạt quark vận động. Liệu thuyết dây có hưởng lợi từ nhận định này?

Mô hình Vật lý Quy chuẩn là thuyết giải thích cho hầu hết vạn vận. Chúng hoạt động hợp lý một cách kỳ vĩ nhưng lại là một trong những thuyết xấu xí nhất chúng ta từng luận ra. Đứng trước ta là một núi các con số thử nghiệm phải thử bằng tay. Nhưng trong phạm trù của thuyết dây, Mô hình Vật lý Quy chuẩn lại vận hành trơn tru lắm.

Chỉ với vài giả định, bạn đã dựng được toàn bộ Mô hình. Vậy nên, chúng ta cần bằng chứng từ thực nghiệm và LHC có thể cung cấp cho ta những chứng cứ cho thấy những sai lệch trong Mô hình Vật lý Quy chuẩn, đồng thời đó cũng sẽ là lúc những khái niệm vật lý mới sinh ra nhờ Máy Gia tốc Hạt Lớn có đất dụng võ.

Nhà vật lý học Michio Kaku nhận định: Sắp chứng minh được vật lý hiện tại có sai sót, nối liên lạc với sinh vật ngoài hành tinh là ý tưởng tồi - Ảnh 3.

Máy Gia tốc Hạt Lớn.

Người ta so sánh ông với Carl Sagan nhờ khả năng biến hóa khoa học phức tạp thành những khái niệm dễ nắm bắt. Việc lấy được lòng nhiều độc giả quan trọng tới đâu?

Hồi thập niên 90, cộng đồng sửng sốt khi khi các nhà vật lý học đề xuất một máy gia tốc nữa. Nó có kích cỡ lớn hơn cả LHC, dự định sẽ nằm gần Dallas, Texas nhưng cuối cùng dự án bị hủy. Chuyện gì đã xảy ra ư? Trong những buổi xét duyệt và thông qua dự án cuối cùng, có vị đại biểu hỏi: “Ta có tìm được Chúa bằng cỗ máy của các anh không? Nếu được, tôi sẽ bỏ phiếu thuận”.

Nhà vật lý học đáng thương phải đứng ra trả lời câu hỏi ấy chẳng biết phải nói gì. Đáng lẽ, chúng tôi phải nói rằng đây là cỗ máy Sáng tạo sẽ sản sinh ra điều kiện sinh thành phát minh vĩ đại nhất mọi thời đại - ấy chính là Vũ trụ. Đáng tiếc, chúng tôi lại nói mục đích là để tìm hạt Higgs boson. Và người ta bắt bẻ: 10 tỷ USD để tìm một hạt hạ nguyên tử khác ư? Rồi họ hủy bỏ dự án.

Các cộng sự có phẫn nộ khi ông trở nên nổi tiếng chứ?

Chân thành mà nói nhé, Carl Sagan đã phải hứng chịu nhiều những lời phản đối khi ông bắt đầu xuất hiện thường xuyên trước công chúng. Đã từng có cuộc bỏ phiếu xin cho ông vào Học viện Khoa học Quốc gia nhưng ông đã bị từ chối thẳng thừng. Dự án máy gia tốc bị hủy do chúng tôi đang ngồi suy nghĩ trên chín tầng mây mà chẳng mảy may đoái hoài tới những người đóng thuế, những cá nhân trực tiếp chi trả cho cỗ máy.

Thế rồi Stephen Hawking xuất hiện. Ông khơi mào được sự hứng khởi nơi đám đông, là một nhà vật lý lý thuyết đích thực đứng ở vị trí tiên phong của khoa học, chứ không đơn thuần là một người “đại chúng hóa” khoa học - một cụm từ vốn được dùng nhiều trong chỉ trích Carl Sagan. 

Tôi nghĩ đây là một chuỗi sự kiện dạy bài học khiêm nhường. Chúng tôi muốn ăn thì sẽ phải lăn vào bếp. Hồi thập niên 60, chỉ cần ra trước Quốc hội và nhắc tới “nước Nga”, là Quốc hội hỏi ngay “Cần bao nhiêu tiền?”. Thời đó qua lâu rồi.

Ông tin rằng chỉ trong vòng một thế kỷ, chúng ta sẽ tương tác được với nền văn minh ngoài Trái Đất. Ông có lo lắng về chuỗi những sự kiện sẽ xảy ra không?

Sớm thôi, Kính thiên văn James Webb sẽ lên quỹ đạo và chúng ta sẽ sớm có danh sách hàng ngàn hành tinh để mà quan sát, và đó là lý do tôi cho rằng tỷ lệ gặp nền văn minh ngoài hành tinh là khá cao. Có vài cộng sự của tôi cho rằng ta nên bắt liên lạc trước. Tôi thì nghĩ rằng đó là ý tưởng tồi.

Chúng ta đều biết chuyện gì xảy ra từ nhiều trăm năm trước, khi Moctezuma gặp Cortés (khi người trị vì đế chế Aztec gặp sứ giả Tây Ban Nha, ông đã sa lưới kẻ địch, bị giam giữ tại chính cung điện của mình và sau này, nền văn minh Aztec bị tàn phá bởi những kẻ xâm lược tới từ Châu Âu). 

Cá nhân tôi cho rằng những sinh vật ngoài hành tinh cũng có thể sẽ thân thiện đó, nhưng tôi sẽ không liều lĩnh cho rằng khẳng định này đúng đâu. Vậy nên, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ nối liên lạc, nhưng phải làm thật cẩn thận.

Rất nhiều nhà khoa học lỗi lạc đã có những cống hiến được nhắc tới trong quyển sách mới của ông. Với ông, ai là người xuất chúng nhất?

Nhà vật lý học Michio Kaku nhận định: Sắp chứng minh được vật lý hiện tại có sai sót, nối liên lạc với sinh vật ngoài hành tinh là ý tưởng tồi - Ảnh 4.

Song song với nhà toán học người Đức Gottfried Wilhelm Leibniz, Isaac Newton luận ra phép tính vi phân và tích phân. Newton dùng phát minh của mình để chứng minh cho những phát hiện khoa học của mình..

Newton là người đứng đầu, bởi lẽ, từ chỗ gần như không có chút dữ liệu nào, trong thời buổi của tà thuật và ma thuật, ông luận ra giá trị toán học của vũ trụ, luận ra thuyết giải thích cho hầu như mọi thứ. Quả thật tuyệt diệu.

Einstein đã được Newton cõng trên lưng, rồi Einstein sử dụng toán học vi phân và tích phân của Newton để tìm ra đường cong của không thời gian cũng như thuyết tương đối. 

Khám phá của Newton như những vụ nổ siêu tân tinh, tỏa sáng tới chói lòa và soi rõ toàn bộ vùng đất, thay đổi định mệnh con người. Định luật chuyển động của Newton đã trở thành nền móng gây dựng Cách mạng Công nghiệp. Phải nhiều thế kỷ trôi qua, ta mới thấy một con người như thế xuất hiện.

Ông tự nhận mình là người theo thuyết bất khả tri, cho rằng sự tồn tại của Thánh thần hay những thế lực siêu nhiên là những khái niệm không thể biết hoặc không bao giờ tìm ra được. Vậy những nghiên cứu của ông dẫn lối bản thân tới gần hay xa hơn cái ý tưởng cho rằng, có một Đáng sáng tạo thiết kế nên vạn vật?

Stephen Hawking từng nói rằng ông không tin vào một Đấng toàn năng, bởi lẽ vụ nổ big bang diễn ra tức thời, không mảy may có thời gian cho phép một Đấng toàn năng tạo lập vũ trụ, vậy nên Đấng không tồn tại. Tôi lại có quan điểm khác.

Cha mẹ tôi theo Phật giáo vốn tồn tại khái niệm Niết bàn, là chốn vô tận và nằm ngoài ảnh hưởng của thời gian, không điểm đầu và không điểm kết. Nhưng rồi cha mẹ tôi lại cho tôi theo Giáo hội Trưởng lão, thế là Chủ nhật nào tôi cũng tới trường dòng và biết về sự kiện Sáng tạo thế giới, cách vũ trụ hình thành sau bảy ngày.

Giờ đây, với ý tưởng về đa vũ trụ, ta có thể luận được rằng sự kiện big bang diễn ra thường xuyên. Ngay trong lúc ta đang bàn luận đây, sự kiện Sáng tạo đang diễn ra đâu đó trong Vũ trụ. Và Vũ trụ nở rộng ra thành cái gì? Thành cõi Niết bàn. Không gian 11 chiều (Michio Kaku cho rằng không gian giới hạn ở 11 chiều thì mới ổn định được) chính là Niết bàn. 

Vậy nên bạn sẽ gói gọn được cả Phật giáo và cả Cơ-đốc giáo và đại Do thái vào một học thuyết duy nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại