Nhà văn Kim Lân trong vai lão Hạc phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. ảnh: TL
Trước khi là nhà văn nổi tiếng đã làm "cây kịch" ở làng
Kịch bản "Cậu Vàng" do cố NSND Bùi Cường xây dựng dựa trên một số tác phẩm văn học của Nam Cao. Ngoài các nhân vật quen thuộc ở "Làng Vũ Đại ngày ấy" như lão Hạc, bà Ba (vợ Bá Kiến), giáo Thứ… trong "Cậu Vàng" còn xuất hiện thêm nhiều nhân vật phụ mới.
Chưa biết phim có gây tiếng vang như bản phim gần 40 năm trước của đạo diễn Phạm Văn Khoa hay không nhưng với việc chọn "nhân vật" cậu Vàng, phim đã "chiếm sóng" suốt một thời gian, gây nên những cuộc tranh cãi về chuyện chó ta - chó Nhật.
Đến nỗi, cuối cùng nhà sản xuất phải chọn giống chó "thuần Việt" và giữ kín thông tin về "vai diễn" này để không gây nên những tranh luận.
Cùng với đó, ngay khi công bố dàn diễn viên chính, công chúng khá tò mò về diễn viên Viết Liên, người sẽ thủ vai lão Hạc. Bản thân ông cũng cảm nhận được áp lực khi tái hiện lại nhân vật đã rất quen thuộc và ấn tượng với khán giả.
"Khi nhận vai Lão Hạc tôi biết sẽ có sự so sánh, điều đó là không tránh khỏi. Bởi những người đảm trách vai Lão Hạc thế hệ trước đều là những tên tuổi lớn, có cả cố nhà văn Kim Lân. Riêng tôi, ở thế hệ sau, tôi thừa nhận đó là thách thức lớn. Tôi cũng sợ người ta nói mình không hợp vai, không thoát được hình ảnh của lão Hạc - Kim Lân", diễn viên Viết Liên nói.
Nếu như Viết Liên là diễn viên chuyên nghiệp thì nhà văn Kim Lân đến với điện ảnh từ vai lão Hạc của "Làng Vũ Đại ngày ấy" như một cuộc dạo chơi. Vậy mà cái duyên nghệ thuật lại gắn với ông ngót nghét cả chục phim.
Nói là dạo chơi nhưng phim nào của nhà văn Kim Lân cũng khiến người ta lầm tưởng ông là diễn viên thực thụ. Ngày ấy thông tin báo chí đâu nhiều như bây giờ nên dung mạo của tác giả "Vợ nhặt" ra sao, có lẽ chỉ bạn nghề, người thân của ông mới biết.
Với vóc dáng gày gò, nhỏ bé, khuôn mặt góc cạnh nên với những phim về bối cảnh nông thôn nghèo khổ, cùng cực, nhà văn chỉ cần đứng vào máy quay thôi đã thấy đầy chất điện ảnh rồi.
Con gái nhà văn Kim Lân - họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nói rằng: "Thầy tôi nhỏ bé là do tạng, ăn bao nhiêu thì cân nặng bao nhiêu năm vẫn như thế thôi, không lên được ký nào cả. Trong khi đó, mẹ tôi thì đẫy đà nên thầy có làm câu thơ thế này: "Trông xa cứ tưởng uyên ương/Lại gần mới biết cò hương với vịt bầu". Nhỏ bé nhưng thầy tôi may mắn có sức khỏe dẻo dai. 87 tuổi cụ mất vì tuổi già".
Hỏi họa sĩ Nguyễn Thị Hiền về các vai diễn của nhà văn Kim Lân, bà cho biết: "Sở dĩ thầy tôi vào phim đạt như vậy là bởi, từ khi còn thanh niên, thầy đã là "cây" văn nghệ của làng. Từ vẽ tranh, nặn tượng, cho đến lập nhóm diễn kịch.
Hồi ấy, bác Hoàng Cầm có viết một vở kịch và được dựng diễn ở Nhà hát Lớn. Thầy tôi được bác giao cho một vai nhỏ trong đó. Lúc diễn, thầy tự sáng chế ra kiểu đi lùi từ cánh gà ra sân khấu, làm ai cũng bất ngờ. Kiểu sáng tạo ngoài kịch bản nhưng lại rất hiệu quả, khiến khán phòng vỗ tay giòn giã".
Đóng lão Hạc đạt vì nhớ Nam Cao
Nhà văn Kim Lân. Ảnh: TL
Với phim nhựa, cơ duyên đến với nhà văn Kim Lân là do ông có mối quan hệ với đạo diễn. Không phải vì quen nên "cho" vai, mà bởi, chơi nên biết nhà văn "Làng" có nhiều tài lẻ. "Và cũng có thể, vì bạn bè của cụ đều là nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nên cụ cũng "ngấm" được chất nghệ trong người cũng nên", họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nói.
Nhưng khi nhà văn đi làm phim, gia đình hầu như không ai biết. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nhớ mãi một kỷ niệm: "Có lần, thầy tôi đưa tôi đến xưởng phim truyện Việt Nam ở Thụy Khuê. Đi cùng còn có bác Tô Hoài.
Hóa ra là một buổi chiếu phim "Vợ chồng A Phủ". Đang xem, tôi giật nẩy mình vì thấy thầy mình trên phim. Không ngờ cụ làm phim cũng "ra chất", rất chuẩn phong cách của một ông thầy cúng. Lần khác, thầy tôi đóng "Làng Vũ Đại ngày ấy".
Nguyên nhân một phần vì cụ chơi thân với nhà văn Nam Cao nên đạo diễn Phạm Văn Khoa tin rằng cụ sẽ lấy được nước mắt của khán giả. Tôi vẫn nhớ lần thầy tôi trong bộ quần áo rách te tua, đội chiếc nón mê trở về nhà sơ tán ở đồi Cháy, ấp Cầu Đen, Bắc Giang. Trông bộ dạng ấy, tôi cứ nghĩ là ăn mày vào nhà mình, mà tôi thì sợ ăn mày vô cùng.
Vậy là vội chạy vào nhà xúc bơ gạo để ở cửa rồi chui vào gầm giường trốn. Đang nín thở thì nghe tiếng gọi: "Hiền ơi, thầy đây!". Nhận ra giọng thầy, tôi chui ra khỏi gầm giường. Thầy kể, phải ăn vận như vậy để đi đường được an toàn. Bác Nam Cao cũng vậy.
Nhưng thật không may là trên đường đi, bác Nam Cao bị quân Pháp phục kích và bắn chết ở Gia Xuân, Gia Viễn (Ninh Bình). Đó là lần gặp cuối của thầy tôi với nhà văn "Sống mòn". Thế nên, khi vào vai lão Hạc, thầy đã là nghĩ tới tình bạn với Nam Cao và diễn đúng như những gì mà nhà văn đã hình dung, mô tả về sự cùng cực, bất hạnh của người nông dân như lão Hạc".
Trong "Làng Vũ Đại ngày ấy", khi đến cảnh lão Hạc vì không muốn bán con Vàng nên đã quyết định luồn sợi dây thòng lọng vào cổ nó, bàn tay run run của nhà văn Kim Lân là thật, vừa diễn vừa lo sợ bị chó cắn theo bản năng.
Trước đó, để làm quen với con Vàng, ông đã làm thân với nó như cho ăn, vuốt ve để không bị lạ lẫm. Nhưng đến cảnh ấy thì vẫn sợ. Và nhờ sợ mà mang đến sự chân thực, thể hiện được sự tiếc nuôi, thương cảm với con Vàng.
Với sự thành công này mà khi làm tiếp phim "Chị Dậu" vào năm 1982, đạo diễn - NSND Phạm Văn Khoa tiếp tục mời nhà văn Kim Lân vào phim. Ông thủ vai Lý Cựu, còn nhà văn Nguyễn Tuân vào vai Chánh Tổng.
Ngoài 3 phim nổi tiếng này, nhà văn Kim Lân còn làm một số vai phụ khác như: Lão Pẩu trong phim "Con Vá", Cả Khiết trong vở "Cái tủ chè" của Vũ Trọng Can, cụ lang Tâm trong phim "Hà Nội 12 ngày đêm"…
Nhà biên kịch Đoàn Lê (cũng là tác giả chuyển thể của "Làng Vũ Đại ngày ấy") kể lại rằng, trong lần đi quay bộ phim chân dung nhà văn Nguyên Hồng với bạn bè, nhà văn Kim Lân đã trò chuyện về một ý truyện ông ấp ủ từ lâu, rồi ngỏ ý muốn nhà biên kịch Đoàn Lê dựa trên cốt truyện ấy để viết kịch bản vì tin rằng bà là người hợp với câu chuyện ấy.
Và kịch bản "Con Vá" ra đời. Ngoài các nhân vật chính còn có cả một con chó vá. Nhà văn Kim Lân lại được giao một vai trong phim. Nhà biên kịch Đoàn Lê đã hết lời khen nhân vật lão Pẩu của nhà văn Kim Lân: "Sẽ không thể tìm một diễn viên nào hợp hơn bác Kim Lân trong vai lão Pẩu cả".