Nhà Trắng cử "trợ lý chính trị" đến làm tai mắt cho Tổng thống ở các bộ ngành

Ngọc Anh |

Theo Washington Post, các "trợ lý chính trị" đã được Trump điều tới hầu như tất cả các bộ ngành của Mỹ để giám sát lòng trung thành của lãnh đạo trong nội các.

Những "tai mắt" của Tổng thống không mời mà đến

Trong khi hầu hết các bộ trưởng trong nội các của Tổng thống Trump chưa xây dựng được đội ngũ lãnh đạo hoàn chỉnh của ngành mình, thậm chí là chưa có được cấp phó cho mình, họ lại có những "cố vấn" – "trợ lý chính trị" do Nhà Trắng cử đến.

Tám quan chức trong và ngoài chính quyền Trump đã cho báo Washington Post biết rằng, những "trợ lý chính trị" đó có quyền lực và có trách nhiệm giám sát lòng trung thành của các bộ trưởng.

Những nhân viên chính trị này được gọi với danh xưng "Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng", có mặt tại nhiều cơ quan, bộ ngành. Văn phòng của các "cố vấn từ Nhà Trắng" này nằm trong hoặc ngay phía ngoài của các văn phòng bộ trưởng.

Nhà Trắng hiện đã "cài" ít nhất 16 "cố vấn" như vậy tại các bộ và cơ quan ngang bộ quản lý các lĩnh vực năng lượng, y tế, quản lý con người, hay thậm chí cả Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Các cố vấn hay trợ lý chính trị này không báo cáo lên các bộ trưởng, mà báo cáo về Văn phòng Nội các do Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng Rick Dearborn quản lý. Một trợ lý của Dearborn, John Mashburn, sẽ chủ trì một cuộc họp từ xa hàng tuần với tất cả các "trợ lý chính trị" đang hoạt động tại các bộ ngành, và những trợ lý đó vẫn liên lạc thương xuyên với Nhà Trắng.

Những trợ lý chính trị này đóng vai trò như một cầu nối về các vấn đề chính sách giữa các cơ quan quản lý/bộ và Nhà Trắng.

Tuy nhiên, theo một số quan chức am hiểu vấn đề, thực ra các trợ lý chính trị này có một nhiệm vụ quan trọng khác: Giám sát các lãnh đạo trong nội các và những nhân sự cấp cao của họ, đảm bảo đội ngũ này thực thi chương trình nghị sự của Tổng thống và không chệch hướng khỏi các quan điểm chính của Nhà Trắng.

Barry Bennett, một cựu cố vấn tranh cử của Trump nhận xét: "Việc có một đội ngũ trợ lý chính trị như vậy là khôn ngoan, đặc biệt trong bối cảnh bắt đầu xây dựng một chính phủ mới và có sự chuyển giao giữa các đảng, khi mà các chính sách sẽ thay đổi rõ rệt."

"Một ai đó với tư cách là người của Nhà Trắng cần có mặt ở đó. Vì các quan chức cấp cao ở cấp bộ vẫn chưa được bổ nhiệm đầy đủ. Họ [các trợ lý chính trị] đang có chức năng như tiếng nói cũng như ‘cái tai’ của Nhà Trắng [Tổng thống] ở các bộ ngành", Bennett nói.

Tuy nhiên, các cố vấn cấp cao hay "trợ lý chính trị" được Nhà Trắng cử đến các bộ ngành hầu hết đều không có đủ chuyên môn trong các lĩnh vực chuyên biệt đó. Những cố vấn này đến từ giới kinh doanh hoặc chính trị. Họ là các trợ lý tranh cử của Trump, những nhân sự cũ của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, các nhà hoạt động bảo thủ, những nhà vận động hành lang và cả các doanh nhân.

Nhiều người trong số các cố vấn này là thành viên trong một "đội mũi nhọn" bắt đầu làm việc từ khi Trump nhậm chức chính thức ngày 20/1. Một trong những nhiệm vụ bắt buộc của họ là đảm bảo việc các bộ ngành xác định các quy định cũ chính quyền mới muốn tiếp tục hay điều chỉnh các chính sách mới.

Tại Bộ Quốc phòng hay Bộ Ngoại giao, những "cố vấn Nhà Trắng" này được cho là đang "điều phối các vấn đề về chính sách và nhân sự". Họ có mặt tại các cơ quan này, phòng làm việc ngay gần các Bộ trưởng, nhưng không chịu sự quản lý hay lãnh đạo trực tiếp từ các Bộ trưởng.

Trợ lý chính trị: Giải pháp cho những "kẻ thù mang bộ mặt cười"?

Các nhà phân tích cho rằng, cách làm cử những cố vấn - trợ lý chính trị đến các bộ ngành như chính quyền Trump đang làm là khá khác thường. Các chính phủ tiền nhiệm của các cựu Tổng thống Barack Obama, George W. Bush hay Bill Clinton đều không làm như vậy. Những trợ lý này cũng khác những người liên lạc truyền thống.

Nhà Trắng cử trợ lý chính trị đến làm tai mắt cho Tổng thống ở các bộ ngành - Ảnh 1.

Tổng thống Trump có cách giám sát các bộ trưởng khác với những người tiền nhiệm. Ảnh: Getty

Theo các nhà phân tích, những chuỗi mệnh lệnh cạnh tranh nhau có thể gây ra sự thiếu tin tưởng, hỗn loạn và không hiệu quả - đặc biệt khi lãnh đạo các bộ ngành đang xây dựng đội ngũ của họ.

Kevin Knobloch, từng là một Chánh Văn phòng của Bộ Năng lượng dưới thời ông Obama đánh giá: "Khi Nội các và Tổng thống có thể hiểu nhau, và thỉnh thoảng có bất đồng ý kiến, đó là điều lành mạnh. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra khi những người lãnh đạo ở các bộ ngành có đội ngũ của riêng họ, báo cáo trực tiếp lên họ."

Theo Knobloch, cách làm của Trump thậm chí có thể được hiểu là xuất phát từ sự thiếu tin tưởng dành cho nội các của mình.

Bản thân Tổng thống Trump không phải là người có mối quan hệ lâu dài hoặc cá nhân chặt chẽ với hầu hết những lãnh đạo trong nội các của mình. Đó là lý do tại sao việc đánh giá mức độ trung thành của họ lại quan trọng với Trump.

Tuy nhiên, quyền lực của các cố vấn này ở các cơ quan, bộ ngành có thể được nâng cao khi mà chính quyền Trump khá chậm trễ trong việc xây dựng một đội ngũ lãnh đạo hoàn thiện tại đây.

Một số học giả cho rằng, cách làm hiện nay của Trump trong việc cử các "cố vấn" (hay trợ lý chính trị) tới các cơ quan, bộ ngành có phần giống như cách cố Tổng thống Abraham Lincoln đã từng làm.

Giáo sư Allen C. Guelzo, Đại học Gettysburg, cho biết, trong quá khứ, Lincoln đã phải tiếp quản một Nhà Trắng mà 50 năm trước đó được dẫn dắt bởi những người Dân chủ. Ông đã hành động rất nhanh để loại bỏ những thế lực chống đối và bổ nhiệm các đồng minh của mình.

"Bị vây quanh bởi những ‘kẻ thù với khuôn mặt mỉm cười’, Lincohn đã phải ‘cài’ những người bạn của ông ấy vào các doanh trại quân đội cũng như một số bộ ngành", Giáo sư Guelzo nói.

Trump đã từng nói rằng ông rất đề cao tầm quan trọng của lòng trung thành, và một khi ông bị phản bội thì sẽ không bao giờ quên. Tuy nhiên, đó là khi Trump còn là lãnh đạo doanh nghiệp. Hiện tại, khi đã trở thành Tổng thống Mỹ, có lẽ việc đảm bảo và kiểm soát lòng trung thành của cấp dưới, đối với Trump, chưa bao giờ quan trọng và khó khăn hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại