Nhà thùng: Kiến trúc độc lạ thời Liên Xô

Vũ Thị Huế |

Tìm hiểu về nhà thùng - một kiểu kiến trúc độc lạ và đặc trưng của thời kỳ Liên Xô

Nhà thùng là kiến trúc nhà ở tạm thời cực kỳ hiệu quả trong vùng Viễn Bắc lạnh giá. Ảnh: Rbth.com

Chúng không phải bể chứa nước hay thùng cất giữ đồ đạc, mà là những ngôi nhà với đầy đủ phòng ngủ, phòng bếp, hệ thống nước nóng và cửa ra vào. Người Liên Xô tự hào đây là những kiến trúc cư trú hiện đại, thích hợp để ở nhất. Ngày nay, chúng ta chỉ có thể thấy chúng trong viện bảo tàng.

Giải pháp sáng tạo

Năm 1974, chính quyền Liên bang Xô viết quyết định hồi sinh dự án cầu đường đầy tham vọng đã bắt đầu từ thời Stalin: Đường sắt Baikal - Amur. Đây là tuyến đường sắt khổ rộng 1,52m nối liền Đông Siberia với vùng Viễn Đông của Nga, dài tổng cộng 4.324 km và song song với Đường sắt xuyên Siberia.

Vùng đất đường sắt Baikal - Amur đi qua lạnh khắc nghiệt với mặt đất là lớp băng vĩnh cửu. Nhà chức trách Liên Xô đã dự trù kinh phí xây dựng nó lên tới 14 tỷ USD và Tổng Bí thư đương thời là ông Leonid Brezhnev (1906 – 1982) coi nó là “dự án cầu đường thế kỷ”.

Ngay sau khi dự án đường sắt Baikal – Amur được quyết định, hàng nghìn người mà hầu hết là thanh niên Nga trẻ khỏe đã lên đường, đến vùng Viễn Bắc hoang sơ, lạnh giá để đặt đường ray. Chính quyền Liên Xô xây dựng một loạt nhà gỗ làm nơi ăn chốn ở tạm thời cho họ và tất cả những ngôi nhà này đều được cách nhiệt để chống rét buốt.

Khổ nỗi, nhà gỗ hình chữ nhật không chịu nổi điều kiện khí hậu vùng Viễn Bắc. Chỉ qua một đêm tuyết rơi nhiều, nó đã bị tuyết vùi kín đến tận nóc. Lắm khi, người lao động không thể ra ngoài làm việc vì cửa nhà bị tuyết đóng dày chèn cứng.

Sau rất nhiều trăn trở, các nhà thiết kế Xô viết sáng tạo ra một kiến trúc ở tạm giải quyết triệt để vấn đề khí hậu vùng Viễn Bắc. Đó là nhà thùng kim loại 100% và đặt tên cho nó là Tsubik.

Đúng như tên gọi, nhà thùng được đúc hoàn toàn bằng kim loại. Nó có hình trụ dài, nằm ngang, đường kính rộng 3m, chiều dài lên đến 9m và có chân chống cao giúp cách ly triệt để với mặt đất. Với hình dạng tròn, nó khiến cho tuyết rơi lên trên đỉnh bị trượt xuống nên không thể bị vùi lấp. Công nhân cầu đường đang làm việc trên tuyến đường sắt Baikal - Amur vô cùng yêu thích nó, ca ngợi đây chính là kiến trúc nhà ở cứu rỗi họ.

Vì kiến trúc hình trụ tròn, nhà thùng được ví như nhà bằng lu của triết gia Diogenes. Ảnh: Rbth.com

“Diogenes của thế kỷ XX”

Nếu thời trước Công nguyên, Diogenes (412/404 - 323 TCN) triết gia Hy Lạp nổi tiếng, người sáng lập chủ nghĩa khuyển nho chui vào lu để ở thì thập niên 1970 – 1980, người Nga có nhà thùng tròn tương tự. Vì thiết kế hình trụ nằm ngang nên nó còn được ví như “Diogenes của thế kỷ XX”.

Tất nhiên, nếu so sánh với lu của Diogenes thì nhà thùng hiện đại hơn rất nhiều. Thứ nhất, nó khá rộng rãi, đủ không gian để ngăn phòng ngủ, phòng bếp, phòng vệ sinh. Trong phòng bếp đầy đủ dụng cụ nấu nướng và bếp điện.

Phòng ngủ thì có thể đặt được 4 giường đơn, phục vụ 4 người. Thứ 2, nó được trang bị hệ thống đun nước nóng và có lối vào tách biệt để khi người sử dụng đi ra đi vào, cái lạnh bên ngoài không lọt vào không gian bên trong. Thứ 3, nó cực kỳ dễ di chuyển và lắp đặt nhờ cấu trúc kim loại rất nhẹ nhưng đồng thời cũng rất bền chắc.

Nhờ có nhà thùng, các công nhân xây dựng cầu đường đường sắt Baikal – Amur không còn bị thời tiết khắc nghiệt của vùng Viễn Bắc làm phiền nữa. Ngoài tránh được việc bị nhốt trong nhà do tuyết phủ, họ còn được hưởng không gian sống ấm áp vì nhà thùng bằng kim loại giữ nhiệt tốt hơn nhà gỗ gấp nhiều lần.

Sau khi được ra mắt, hàng trăm nhà thùng đã mọc lên dọc theo tuyến đường sắt Baikal – Amur đang được lắp đặt. Có những nơi, chúng liền kề nhau san sát thành cả “con phố nhà thùng”. Cứ ở chỗ nhiều nhà thùng được lắp ráp cạnh nhau, người ta lại lắp đặt một phòng nồi hơi và kết nối ống truyền nhiệt đến tất cả các kiến trúc, giúp làm ấm hoàn hảo.

Không gian bên trong nhà thùng được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Đường sắt Baikal – Amur. Ảnh: Rbth.com

Dần dà, từ tuyến đường sắt Baikal - Amur, nhà thùng lan sang các vùng khác có khí hậu lạnh khắc nghiệt như Chukotka và Krasnoyarsk Krai. Người dân ở đây yêu thích nó đến nỗi bỏ nhà xây kiên cố để dọn vào nhà thùng ở. Thập niên 1980, các tạp chí Liên Xô đua nhau ca ngợi nhà thùng. Nhiều người còn tưởng, nhà thùng sẽ trở thành kiến trúc nhà ở cố định trong tương lai.

Khác với dự đoán nhà thùng sẽ trở thành xu hướng, chính quyền Liên bang Xô viết chỉ xem nó như nhà ở tạm thời. Ngay tại nơi nhà thùng được đặt, họ lên và thực hiện kế hoạch tạo môi trường sinh cư lâu dài cho người dân. Những ngôi nhà kiên cố được xây bằng nhiều loại vật liệu xây dựng mọc lên, bao gồm cả chung cư lẫn nhà đơn và đầy đủ các cơ sở hạ tầng.

Chẳng bao lâu, nhà thùng không còn cần thiết nữa. Mới bước sang thập niên 1990, chúng rơi vào tình trạng bị bỏ hoang, cuối cùng biến thành phế liệu. Ngày nay, bạn chỉ có thể tận mắt chứng kiến nhà thùng đích thực ở Bảo tàng Lịch sử Đường sắt Baikal – Amur tại Tynda. Nó được tái tạo với kích thước thật để triển lãm và ghi nhớ về cuộc sống hàng ngày của công nhân xây dựng cầu đường trên tuyến đường sắt Baikal – Amur.

Theo rbth.com

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại