Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Nhà ở phố cạnh loa phường rất kinh khủng, như bị tra tấn"

Hoàng Đan |

"Nhất là với các gia đình ở phố mà nằm cạnh loa phường và có khi loa lại chĩa thẳng vào cửa sổ nhà, mỗi ngày phát hai lần thì rất kinh khủng, như tra tấn vậy", ông Khoa nói.

Ầm ĩ, khó chịu

Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, "loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử" và nơi nào không còn hiệu quả thì cơ quan chức năng mạnh dạn đề xuất xóa bỏ.

Trao đổi với chúng tôi, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, ông ủng hộ ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc loa phường đã hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ của mình.

Bởi, theo ông, loa phường trong chiến tranh phát huy hiệu quả rất tốt như giúp báo động, hướng dẫn bà con cách tránh bom, cứu người, thông tin máy bay bị bắn rơi....

Và do lúc đó, không phải nhà nào cũng có đài FM nên phải nghe qua hệ thống truyền thanh, đồng thời, việc phường, xã nào cũng có loa làm ấm cúng thêm làng xóm.

"Thế nhưng, với thời kỳ hiện đại này thì truyền hình phát triển mạnh, nhà nào cũng có 1, thậm chí vài chiếc tivi, rồi mạng internet khắp nơi và các hệ thống của Đài Tiếng nói Việt Nam len lỏi vào mọi nơi, ngay trong điện thoại di dộng cũng có radio...

Do đó, các thông tin đến với người dân được cập nhật liên tục và có thể nói, mọi thứ, người dân đều biết hết cả.

Chưa kể, ở các tổ dân phố, ngõ đều có các bảng tin thông báo tất cả thông tin như các cụ đi nhận lương hưu, tiêm chủng cho các cháu, các thông tin của phường, lịch cắt điện, mời họp...

Chính vì thế, hoạt động của loa phường bây giờ không cần thiết nữa", ông Khoa nói.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nhà ở phố cạnh loa phường rất kinh khủng, như bị tra tấn - Ảnh 1.

Ảnh: Tiền Phong.

Cũng theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, với các thành phố hiện đại thì việc cứ ngày ngày loa phường ầm ĩ sáng tối như vậy là không nên, không còn phù hợp.

"Nhất là với các gia đình ở phố mà nằm cạnh loa phường và có khi loa lại chĩa thẳng vào cửa sổ nhà, mỗi ngày phát hai lần thì rất kinh khủng, như tra tấn vậy.

Thậm chí, có những người mà làm ca đêm, ngủ muộn cần nghỉ ngơi thêm mà sáng ra cứ hơn 5 - 6 giờ sáng là loa phường ầm ĩ lên như thế thì không thể nghỉ được. Hay người già cần sự yên tĩnh mà loa như vậy thì cũng không yên được.

Còn chưa kể, một số người đọc loa phường còn nói ngọng là rất phản cảm...", ông Khoa bày tỏ.

Là người đã sống ở Hà Nội lâu năm nên nhà thơ cũng chia sẻ thêm, chính gia đình ông cũng nằm cạnh một loa phường nên cảm nhận rất rõ sự ầm ĩ, khó chịu mà nó đưa đến.

"Nó ồn ào, ầm ĩ quá mà các thông tin phát trên loa thì đều là những thứ mình đã xem báo, truyền hình, nghe đài biết hết cả rồi, không có gì mới mẻ cả.

Còn về lịch tiêm chủng hay thông báo thì đâu phải lúc nào cũng có nhưng ngày nào họ cũng phát nên đôi khi cứ đưa đi, đưa lại các tin mà người ta biết hết rồi nên rất phản cảm và theo tôi, như thế là không nên chút nào", nhà thơ Trần Đăng Khoa nêu rõ.

Sự lạc hậu của Việt Nam !?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng bày tỏ, nhiều người, báo chí nước ngoài cũng đã phản ánh về loa phường ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng và đều cho rằng, đây là sự lạc hậu của chúng ta.

"Ngay như hãng tin Reuters cũng đã có thông tin về loa phường của chúng ta và nhiều nước nhìn vào họ cho là Việt Nam còn rất lạc hậu, có những cái không chịu thay đổi, tách mình ra một cách khác người.

Do vậy, chúng ta không nên để như vậy nữa", ông Khoa nhìn nhận.

Theo ông Khoa, ngoài bảng tin của các tổ dân phố thì để thay thế cho loa phường có thể có nhiều cách, ví dụ như có thể tận dụng qua điện thoại di động.

"Ở tổ dân phố thì ông tổ trưởng có thể nắm số điện thoại di động, tương tự công an phường cũng vậy nên nếu xảy ra chuyện gì như mời ngày này ra nhận lương hưu hay ngày này tiêm chủng cho trẻ em có thể nhắn gửi đi hàng loạt được.

Thực tế, các trường phổ thông cũng đã áp dụng rất tốt việc nhắn tin các thông tin, kết quả của con em mình đi học qua tin nhắn di động hoặc email.

Ta nên tận dụng công nghệ điện thoại di động chứ không nên dùng loa chĩa vào nhà như vậy là rất phản cảm", ông Khoa kiến nghị.

Trước một số ý kiến nêu ra, cần bảo vệ, bảo tồn loa phường là minh chứng cho một thời kỳ, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã bày tỏ sự không đồng tình và cho rằng, nếu minh chứng thì chỉ cần chụp ảnh lại hoặc đưa vào các bảo tàng, phòng trưng bày để lưu giữ.

"Còn không thể nào bảo là bảo tồn, minh chứng rồi sáng, chiều nào loa phường cũng oang oang, xối vào đầu óc người ta là không ổn chút nào. Bỏ loa phường là đúng, thể hiện sự văn minh", ông nhấn mạnh.

Cùng với loa phường, ông Khoa cũng mong muốn, thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng sẽ quyết liệt dẹp bỏ những "búi mạng nhện" gồm đủ các loại dây cáp, dây điện thoại... đang hàng giờ, hàng ngày treo lơ lửng trên các đường phố, gây mất an toàn, mỹ quan.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại