Nhà thiên văn học nghiệp dư phát hiện ra ngôi sao độc nhất vô nhị: Nó 'méo' thành hình giọt nước

NGUYỄN ĐÀNG , |

Dựa trên dữ liệu truyền lại từ vệ tinh của NASA, các nhà khoa học phát hiện một ngôi sao kì lạ cách Trái Đất 1.500 năm ánh sáng có hình giọt nước mắt.

Khi có bất kỳ một ngôi sao nào có biểu hiện kì lạ, các nhà thiên văn học sẽ lập tức chú ý đến nó. Thông qua dữ liệu lấy được từ vệ tinh TESS của NASA, một nhà thiên văn học nghiệp dư đã phát hiện ra sự bất thường của ngôi sao HD74423 - một ngôi sao sở hữu đặc tính độc đáo chưa từng được ghi lại trong lịch sử.

Ngôi sao này cách Trái Đất 1.500 năm ánh sáng và đang được chú ý trong cộng đồng thiên văn học. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học lại không thể nào hiểu nổi nó.

"Điều đầu tiên khiến tôi chú ý là tính chất hóa học của nó rất kì lạ", Simon Murphy nói. Anh là đồng tác giả của báo cáo khoa học và nghiên cứu sinh hậu tiến sỹ tại Viện Thiên văn học Sydney. "Những ngôi sao như thế này thường rất giàu kim loại nhưng nó thì không. Điều này khiến nó trở thành một loại sao hiếm thấy".

Ngôi sao này có khối lượng gấp 1,7 lần Mặt trời của chúng ta và có khả năng tạo xung động theo nhịp một bên bán cầu. Khả năng xung động là thường thấy ở các ngôi sao, kể cả Mặt trời cũng không phải ngoại lệ. Khí nóng thoát ra từ bề mặt Mặt trời khiến ngôi sao khổng lồ này dao động trong không gian.

Nhà thiên văn học nghiệp dư phát hiện ra ngôi sao độc nhất vô nhị: Nó méo thành hình giọt nước - Ảnh 1.

Tất cả các ngôi sao có khả năng này đều rung dù bạn có quan sát nó từ hướng nào đi chăng nữa, các yếu tố như độ tuổi của sao hay mức độ, cường độ rung cũng không ảnh hưởng tới sự thật này. Nhưng khám phá mới về HD74423 cho thấy điều khác lạ: đây là ngôi sao đầu tiên chỉ dao động ở một bên.

"Từ thập kỷ 1980, về mặt lý thuyết, chúng tôi đã biết rằng một ngôi sao như thế này nên tồn tại", Don Kurtz nói, đồng tác giả của bản báo cáo và Giáo sư Cộng tác tại trường Đại học Sydney. Ông vốn là giáo sư đến từ trường Đại học Central Lancashire ở Anh. "Tôi đã tìm kiếm một ngôi sao như thế này trong gần 40 năm và cuối cùng cũng tìm thấy".

Bản báo cáo khoa học được xuất bản vào thứ Hai tuần này trên tờ Nature Astronomy.

Các nhà khoa học đã tìm ra lý do vì sao ngôi sao này lại có tính chất độc đáo như vậy. Nó là một ngôi sao nằm trong hệ sao đôi - hệ có hai hành tinh quay xung quanh nhau. Trong đó, ngôi sao còn lại là một ngôi sao kích thước nhỏ màu đỏ thường thấy trong vũ trụ.

Hai ngôi sao này có quỹ đạo di chuyển rất gần nhau và chỉ sau hai ngày ở Trái Đất, chúng hoàn thành một vòng quay xung quanh nhau. Tại vì sự tiệm cận này, trọng lực của ngôi sao đỏ tác động đến xung động của ngôi sao mà chúng ta đang nói đến và khiến cho nó có hình một giọt nước mắt, chứ không phải hình cầu thông thường.

Nhà thiên văn học nghiệp dư phát hiện ra ngôi sao độc nhất vô nhị: Nó méo thành hình giọt nước - Ảnh 2.

Dữ liệu từ vệ tinh TESS của NASA được cung cấp cho công chúng và một vị thiên văn học nghiệp dư đã khám phá ra ngôi sao này trong mớ dữ liệu.

"Dữ liệu từ vệ tinh TESS giúp chúng ta quan sát sự khác biệt trong độ sáng của một ngôi sao. Độ sáng này bị ảnh hưởng bởi biến dạng trọng lực và các xung động" Gerald Handler nói, đồng tác giả bản báo cáo và giáo sư tại Trung tâm Thiên văn Nicolaus Copernicus, Ba Lan.

Các nhà khoa học xác định nguồn gốc của xung động thông qua quan sát biến động độ sáng, góc và vị trí quỹ đạo của ngôi sao đó.

"Khi hệ sao đôi di chuyển, các phần khác nhau của ngôi sao có khả năng xung động lộ ra", David Jones nói, đồng tác giả và là nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý Thiên văn đảo Canary, Tây Ban Nha. "Đôi khi chúng ta nhìn thấy mặt của ngôi sao đang hướng về phía ngôi sao đỏ và đôi khi chúng ta nhìn thấy mặt bên ngoài".

Các nhà nghiên cứu nói sằng họ đã nhận thức được sự tồn tại của loại sao này và mong là "sẽ tìm thấy nhiều bí ẩn hơn trong mớ dữ liệu từ vệ tinh TESS".

Theo CNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại