Nhà sử học Đức: Bệnh dịch không phải nguyên nhân, nhưng là chất xúc tác khiến khủng hoảng trầm trọng hơn

Xuân Hoài |

"Sự phối hợp toàn cầu là rất quan trọng. Nhưng cái mà chúng ta chứng kiến hiện nay lại là điều ngược lại", nhà sử học Đức nhận xét về phản ứng của các nước trước đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu, báo Taz.de của Đức mới đây đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư sử học Malte Thiessen về những vấn đề liên quan tới đại dịch. Chúng tôi xin gửi tới quý độc giả nội dung lược dịch của cuộc phỏng vấn này.


Phóng viên Taz.de (Taz): Thưa ông Thiessen, cuộc khủng hoảng COVID-19 có giống với các đại dịch từng xảy ra trong lịch sử hay không?

Malte Thiessen: Có điểm giống và cũng có điểm khác biệt. Dịch bệnh luôn song hành với loài người, lịch sử đã cho thấy điều đó. Cho dù chúng ta nghĩ rằng dịch bệnh đã lùi vào dĩ vãng đen tối, ví dụ như bệnh dịch hạch thời Trung Cổ. Chúng ta đã quên mất rằng các dịch bệnh vẫn hoành hành mạnh mẽ vào nửa cuối thế kỷ 20. Trong những năm 50 và 60 có khái niệm "bệnh trẻ em", điều này không có nghĩa người ta coi thường nó mà vì tỷ lệ tử vong ở trẻ em rất cao.

Taz.de: Nhiều người bất ngờ khi một đại dịch như thế này lại có thể xảy ra đối với chúng ta. Tại sao vậy, thưa ông?

Malte Thiessen: Chúng ta đang sống trong thời đại miễn dịch. Từ những năm 70 và 80 chúng ta có các loại vaccine và thuốc điều trị dành cho rất nhiều chứng bệnh mà trước đó từng là những bệnh nan y. Trong bối cảnh như vậy, nếu có một loại bệnh hoặc virus mới, ví dụ như HIV-AIDS, thì sự hoang mang, lo sợ ấy sẽ đến rất nhanh.

Taz.de: Trong thời gian gần đây, người ta hay nhắc tới đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1920, với số người tử vong trên toàn thế giới lên đến khoảng 50 triệu. Những so sánh như vậy có ý nghĩa gì không, thưa ông?

Malte Thiessen: So sánh giúp ta phân loại cho đúng, nhưng cào bằng thì nguy hiểm. Bối cảnh của dịch cúm Tây Ban Nha khác hoàn toàn với thời nay, hơn nữa vì nó xảy ra vào cuối Thế chiến I. Tôi nghĩ sẽ có ý nghĩa hơn nếu so sánh với những dịch bệnh gần đây hơn – như bệnh bạch hầu (Diphtherie) hay dịch cúm Hồng Kông (1968-1970) - thời điểm CHLB Đức đã có tới 40.000 người thiệt mạng.

Nhà sử học Đức: Bệnh dịch không phải nguyên nhân, nhưng là chất xúc tác khiến khủng hoảng trầm trọng hơn - Ảnh 2.

Ông Malte Thiessen là giáo sư sử học và lãnh đạo Viện Nghiên cứu lịch sử khu vực Westfal ở Münster. Một trong những lĩnh vực nghiên cứu trọng tâm của ông là lịch sử Y tế, Y tế dự phòng và tiêm chủng.

Taz.de: Vậy chúng ta có thể rút ra từ đó bài học gì?

Malte Thiessen: Sự phối hợp toàn cầu là rất quan trọng. Nhưng cái mà chúng ta chứng kiến hiện nay lại là điều ngược lại: đó là chủ nghĩa biệt lập, ngay cả ở châu Âu, các nước cũng vạch ra những đường ranh giới. Điều này là sai. Dịch bệnh luôn diễn ra trên toàn cầu – và phải bị tiêu diệt trên toàn cầu.

Bệnh đậu mùa là một ví dụ thành công nhất của các nỗ lực toàn cầu, đây là một loại bệnh rất hay lây và trong những năm 50 và 60 từng xuất hiện nhiều lần ở Đức.

Trong những năm 70, giữa thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dịch bệnh này đã bị dập tắt trên toàn thế giới, với sự hỗ trợ của WHO và với một chương trình tiêm chủng rộng khắp mang tính toàn cầu. So với thời đó, ngày nay chúng ta đang bị tụt hậu.

Taz.de: Thưa giáo sư, tại sao lại như vậy?

Malte Thiessen: Bệnh dịch phần lớn không phải là nguyên nhân gây ra khủng hoảng chính trị hay xã hội, nhưng nó khiến cho khủng hoảng trầm trọng hơn, nó là chất xúc tác. Chúng tôi đã nhận thấy hiện tượng của chủ nghĩa biệt lập từ ít lâu nay – không phải chỉ đối với trường hợp của Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà cả ở châu Âu.

Giờ đây chủ nghĩa biệt lập lại càng được tăng cường. Điều này một phần cũng là vì dịch bệnh lúc đầu luôn bị coi là một điều xa lạ. Ngay cả virus corona ban đầu cũng bị gọi là virus "của Trung Quốc", như tờ der Spiegel từng giật tít "Made in China". Trong lịch sử người ta thường thấy hiện tượng này. Việc các nước phong tỏa toàn quốc cũng là một hình thức như vậy.

Taz.de: Sự phong tỏa diễn ra cả ở trong nước, thông qua các biện pháp cách ly và kiểm dịch. Trong quá khứ điều này có hữu ích không, thưa ông?

Malte Thiessen: Có chứ. Ví dụ như vào năm 1972 - lần cuối cùng bệnh đậu mùa xuất hiện tại Hannover, hay khi bệnh dịch hạch hoành hành hồi thế kỷ 14/15. Khi đó ở Italy người ta đã phong tỏa toàn bộ thành phố hay cả một địa phương – và ít nhiều biện pháp này cũng có hiệu quả...

Nhà sử học Đức: Bệnh dịch không phải nguyên nhân, nhưng là chất xúc tác khiến khủng hoảng trầm trọng hơn - Ảnh 3.

Các nữ nhân viên y tế của Hội Chữ thập Đỏ trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. www.imago-images.de

Taz.de: Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Đức, người ta nói: tất cả mọi người đều có nguy cơ bị ảnh hưởng. Vậy quy mô ảnh hưởng đối với xã hội xã hội ở mức độ nào?

Malte Thiessen: Dịch bệnh là những bệnh mang tính xã hội cao nhất. Nó làm cho sự bất bình đẳng xã hội càng thêm trầm trọng hơn, điều này thể hiện rõ trong suốt quá trình lịch sử. Những người giàu có thể né tránh các biện pháp kiểm dịch; điều kiện sống tồi tệ làm cho bệnh tình trầm trọng hơn; điều kiện để cách ly đòi hỏi phải có không gian, phòng ốc riêng, trong thực tế nhiều người không có điều kiện này. Ngay cả điều kiện tiếp cận không tin của mỗi người cũng khác nhau.

Taz.de: Ông nói: dịch bệnh là phép thử áp lực đối với xã hội.

Malte Thiessen: Đúng vậy, dịch bệnh làm gia tăng nỗi sợ hãi, nhưng cũng gia tăng cả niềm hy vọng, những hành vi tương ứng sẽ bộc lộ rõ ràng hơn và sâu sắc hơn. Bạn hãy nghĩ đến cảnh người ta mua vơ vét mọi thứ như thế nào hay nhớ lại hành động miệt thị, bài xích những người khác. Hành vi xã hội thể hiện khá rõ. Chúng ta nhận ra điều đó và tự định hướng hành vi của bản thân. Đặc điểm này thể hiện rất rõ.

Taz.de: Như vụ mua vơ vét lấy được giấy vệ sinh...

Malte Thiessen: Tiếc rằng đã xảy ra sự miệt thị, bài xích. Khi HIV mới xuất hiện thì người ta nơm nớp sợ những người đồng tính, đến thời COVID-19 thì ban đầu người ta né tránh những người có vẻ ngoài giống người châu Á. Rõ ràng đây là sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc, và đây cũng là sự tái thể hiện hành vi xã hội. Thêm vào đó là phép thử về áp lực đối với nhà nước xã hội và ngành y tế...

Nhà sử học Đức: Bệnh dịch không phải nguyên nhân, nhưng là chất xúc tác khiến khủng hoảng trầm trọng hơn - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại