Ở đa số nhà sách tại Nhật Bản, việc tìm được cuốn mình cần là một công việc khá khó khăn khi họ có cách sắp xếp các tác phẩm khá "trái khoáy".
Theo đó, ở nhiều nơi trên thế giới, chỉ cần biết tên tác giả là bạn đã dễ dàng tìm được tác phẩm của họ trong các dãy sách được sắp xếp theo thứ tự ABC. Tuy nhiên ở Nhật, họ không sắp xếp sách như vậy. Nếu bảng chữ cái Latin có thứ tự ABC... thì hệ thống tương tự trong Nhật ngữ là gojuonjun, hay ngũ thập âm thuận - hệ thống 50 âm tiết theo thứ tự.
Biết được điều đó, bạn có thể suy luận là mình có thể tìm kiếm dựa trên thứ tự bảng âm tiết tiếng Nhật. Nhưng kể cả thế, việc tìm kiếm vẫn khá khổ sở vì nhà sách ở Nhật không sắp xếp sách theo tên tác giả, mà theo tên nhà xuất bản.
Lấy ví dụ, ông Sato xuất bản một cuốn sách với nhà xuất bản Kodansha. Thay vì tìm thẳng tên Sato, bạn phải đi tìm kiếm nhà xuất bản Kodansha trong hàng hàng dãy sách của các nhà xuất bản khác.
Các nhà sách ở Nhật thường sắp xếp tác phẩm theo tên nhà xuất bản.
Sau khi tìm được Kodansha, người đọc lại phải làm thêm một lượt tìm kiếm theo gojuonjun nữa để tìm tên ông Sato, rồi từ đó mới tìm các tác phẩm.
Điều này khá phiền hà với người mua sách. Đầu tiên, không phải ai cũng quan tâm đến tên nhà xuất bản; chưa kể nếu có quan tâm, chưa chắc họ đã nhớ nổi. Chưa kể, nếu một tác giả hợp tác với nhiều nhà xuất bản khác nhau, bạn sẽ phải dò cả nhà sách để tìm từng tác phẩm của họ.
Gần như mọi nhà sách ở Nhật đều chọn kiểu sắp xếp trái khoáy như vậy, trừ Seiwado.
"Đây là khu vực bìa mềm của cửa hàng chúng tôi" tài khoản chính thức của Seiwado tweet. "Các cuốn sách được sắp xếp dựa trên thứ tự AIUEO (âm tiết Nhật) theo tên tác giả… Chúng tôi đã nhận được phản ứng tích cực tới mức đáng ngạc nhiên từ khách hàng của mình".
Konishi Yasuhiro - chủ tiệm sách Suiwado.
Seiwado là một cửa hàng sách trong khu phố độc lập ở phường Tsurumi của Osaka, hoạt động từ năm 1970.
Năm 2017, gia chủ đời 2 Konishi Noriko và con trai của bà Yasuhiro đã quyết định thực hiện thay đổi khi sắp xếp lại các cuốn sách giả tưởng của họ, chiếm khoảng 25% kho sách cửa hàng theo tên tác giả. Nhưng phải cho đến khi đăng tweet cách đây vài tuần, họ mới nhận được sự chú ý rộng rãi.
Rõ ràng, một trong những điểm đáng giá của sự sắp xếp theo từng nhà xuất bản mà hầu hết đa số hiệu sách sử dụng là các nhà xuất bản Nhật Bản có xu hướng sở hữu giao diện thống nhất cho tiểu thuyết của họ.
Các nhà xuất bản thường sử dụng kích thước trang tiêu chuẩn và mẫu thiết kế bìa đồng nhất để cung cấp cho dòng sản phẩm của họ một cái nhìn gọn gàng, có tổ chức, dễ nhận diện. khi chúng được đặt cùng nhau trong một dãy lớn trên giá.
Nhiều nhà sách ở Nhật rất quan tâm đến tính thẩm mỹ của các giá sách.
Điều này cũng giúp các nhà xuất bản lớn hơn dễ dàng thu hút sự chú ý từ người mua hàng, từ đó thúc đẩy doanh thu. Tất nhiên các hiệu sách phải theo quy tắc này vì họ cũng chịu áp lực doanh số từ nhà cung cấp.
Tuy nhiên Konishi cho rằng với quy mô nhỏ như cửa hàng của mình, việc sắp xếp như thế lại không thể đẹp và đồng nhất được như tại các hiệu lớn. Vì lẽ đó, bà quyết định áp dụng thay đổi và được khách hàng "tung hô".
"Điều này thật tuyệt nếu bạn muốn mua sách của cùng một tác giả".
"Nó sẽ giúp loại bỏ rất nhiều sự khó chịu tôi gặp phải khi đi mua sách".
"Nếu các hiệu sách khác thấy điều này, hãy áp dụng ngay!".
Tuy nhiên, hiệu sách vẫn có vài ngoại lệ khi những thể loại hẹp như truyện giả tưởng lịch sử hoặc tiểu thuyết light novel vẫn được sắp xếp như cách cũ. Việc này là do một số nhà xuất bản rất có danh tiếng trong từng mảng thể loại đó, khiến người đọc dễ tìm sách mình thích hơn là tên tác giả.
Nguồn: Soranews24