Nhà nhà chạy deadline: 4.600MWp công suất điện mặt trời áp mái hoàn thành trong 1 tuần – tương đương việc xây thêm Thủy điện Hòa Bình & Sơn La

Đông A |

Theo số liệu cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết 31/12/2020, đã có 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt gần 9.300 MWp (công suất phát trong điều kiện tối ưu).

Công suất điện mặt trời mái nhà tăng gấp đôi trong chưa đầy 1 tuần cuối năm 2020

Cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ khiến điện mặt trời bùng nổ. Theo EVN, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đạt khoảng 19.400 MWp (trong đó 9.300 MWp là ĐMTMN). Số này tương ứng khoảng 16.500 MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện Quốc gia.

Một điểm rất đáng chú ý là công suất phát của ĐMTMN tăng lên rất mạnh chỉ trong ít ngày cuối cùng của năm 2020. Cũng theo số liệu từ EVN, tính đến 25/12, công suất ĐMTMN mới chỉ đạt 4.700 MWp, điều này có nghĩa mức tăng là gấp đôi chỉ trong chưa đầy một tuần.

Trong ngày cuối cùng của năm 2020, công suất lắp đặt ĐMTMN tăng thêm 2.000 MWp - ngang công suất của nhà máy thủy điện Hòa Bình. Tính chung trong tuần cuối chạy deadline, lượng công suất lắp đặt tương đương tổng công suất của 2 thủy điện lớn nhất nước là Sơn Là và Hòa Bình. Như vậy, công suất phát ĐMTMN đang tăng nhanh bất thường!

Cuộc đua để hưởng giá mua điện ưu đãi trước hạn 31/12/2020 là điều không cần phải bàn cãi. Sau mốc thời gian này, chưa có quy định mới và hướng dẫn tiếp theo từ Bộ Công thương.

Theo EVN, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) đã có văn bản cho biết hiện nay đơn vị này đang phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu các mô hình, quy mô và giá mua bán điện tương ứng cho từng loại hình ĐMTMN và dự kiến trong quý 1/2021 sẽ báo cáo Bộ Công thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích ĐMTMN cho giai đoạn tiếp theo.

Do vậy, kể từ 0h00 ngày 1/1/2021 trở đi, loại hình và giá mua bán điện đối với ĐMTMN sẽ phải chờ cho đến khi có quyết định mới.

Đối với các hệ thống ĐMTMN vào vận hành một phần hệ thống đến thời điểm 24h00 ngày 31/12/2020, các Công ty Điện lực sẽ lập biên bản xác nhận với chủ đầu tư về quy mô công suất của phần hệ thống đã vào vận hành.

Các Công ty Điện lực sẽ dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống ĐMTMN phát triển sau ngày 31/12/2020 cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với các công trình ĐMTMN phát triển sau ngày 31/12/2020, các đơn vị Điện lực sẽ không ghi nhận điện năng phát lên lưới và không mua điện khi chưa có quy định mới.

ĐMT tăng nhanh gây tính mất ổn định cho hệ thống điện

Thống kê toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm 2020 đạt 10,6 tỷ kWh (trong đó ĐMTMN 1,16 tỷ kWh), chỉ chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng nguồn toàn hệ thống điện.

Vì sao lại có sự cách biệt lớn như vậy?

EVN cho biết, đặc điểm tự nhiên của hệ thống điện mặt trời là phụ thuộc lớn vào thời gian nắng trong ngày.

Từ tháng 9 trở về cuối năm có xu hướng lạnh dần nên phụ tải hệ thống điện quốc gia chuyển sang mẫu điển hình của mùa lạnh. Như công suất điện mặt trời trên cả nước là 16.500 MW, đã tương đương khoảng 40% phụ tải toàn quốc vào giờ thấp điểm buổi trưa.

Nhà nhà chạy deadline: 4.600MWp công suất điện mặt trời áp mái hoàn thành trong 1 tuần – tương đương việc xây thêm Thủy điện Hòa Bình & Sơn La - Ảnh 1.

Nguồn: EVN

Từ 10h – 14h (nhất là vào ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ), phụ tải xuống thấp nhưng lúc này bức xạ mặt trời lại tốt nhất trong ngày dẫn đến thừa công suất.

Mặt khác, 17h30 – 18h30 (cao điểm tối) là lúc nhu cầu điện cao nhất, nhưng lúc này khả năng đáp ứng của hàng chục nghìn MW điện mặt trời hầu như không còn. Vì vậy, để đảm bảo cung cấp điện, hệ thống điện luôn cần phải duy trì sẵn sàng một số tổ máy phát điện truyền thống.

Bên cạnh hiện tượng chênh lệch về công suất phụ tải ở các thời điểm trong ngày, thì nhu cầu phụ tải giữa ngày làm việc và ngày nghỉ cũng có sự khác biệt khá lớn.

Trong đó giá trị chênh lệch giữa công suất đỉnh của ngày nghỉ và ngày thường trong tuần lên tới khoảng 5.000 MW. Do đó, vào những ngày nghỉ cuối tuần, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã phải ngừng dự phòng nhiều tổ máy nhiệt điện than (NĐT) và tuabin khí (TBK) trên cơ sở đảm bảo đủ số tổ máy nối lưới tối thiểu theo điều kiện kỹ thuật của hệ thống (đảm bảo khả dụng, chế độ điện áp, giới hạn truyền tải...).

Có thể thấy tỷ trọng của các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện ngày càng tăng và kèm theo đó là tính bất ổn định trong vận hành cũng gia tăng tương ứng, cộng thêm nhiều nguyên nhân khách quan bất lợi như: (i) Phụ tải tăng trưởng thấp hơn dự kiến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; (ii) Chênh lệch giữa phụ tải cao điểm và thấp điểm trong ngày rất lớn; (iii) Phụ tải cao điểm buổi chiều có công suất lớn nhưng không còn điện mặt trời hỗ trợ dẫn đến nhiều khó khăn cho công tác điều độ hệ thống điện.

Để đảm bảo an ninh, an toàn trong vận hành hệ thống điện, Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia không thể huy động toàn bộ công suất khả dụng của nguồn điện, trong đó có cả các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời vào các giờ phụ tải thấp điểm vào buổi trưa, các ngày nghỉ cuối tuần hoặc các dịp lễ-tết, và ngay tới đây là dịp nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2021.

Việc điều độ, huy động công suất các nhà máy điện trên hệ thống vẫn đã và đang được thực hiện thông qua hệ thống AGC (Automatic Generation Control) là hệ thống thiết bị tự động điều chỉnh tăng giảm công suất phát điện nhằm duy trì vận hành ổn định toàn hệ thống.

Hệ thống này sẽ tự động giám sát và tối ưu hóa điều chỉnh công suất phát của các nhà máy điện, trong đó bao gồm các nhà máy điện năng lượng tái tạo theo thời gian thực, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại