Cuộc đổ bộ của các startup "con nhà giàu"
Tập 5 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7 có thể coi là cuộc "đổ bộ" của các "rich kid". Thương vụ đầu tiên là startup Yeast Era cung cấp sản phẩm protein 100% từ men vi sinh, với nhà sáng lập Lê Thanh Hoài Phương đã rót 100 tỷ đồng "tiền thịt" để khởi nghiệp, đầu tư 67 tỷ đồng xây dựng nhà máy, nghiên cứu 5 năm mới ra sản phẩm.
"Nhà mình giàu nhỉ? Bố mẹ em là ai?", Shark Nguyễn Hòa Bình thốt lên sau khi nghe nữ sáng lập trình bày.
Cuối cùng, Yeast Era chọn đồng hành cùng Shark Nguyễn Văn Thái với deal 15 tỷ đồng cho 15% cổ phần, kèm điều kiện độc quyền mảng kinh doanh online tại thị trường Việt Nam trong 1 năm.
Tới thương vụ thứ hai lại là một "rich kid" khác lên gọi vốn. Võ Kim Vĩnh – du học sinh Mỹ mới 18 tuổi thành lập thương hiệu cơm tấm Double C với tham vọng xây dựng chuỗi nhà hàng fast casual – hiện đại hóa ẩm thực Việt, mở rộng ở cả trong nước lẫn quốc tế. Vốn thực góp ban đầu là hơn 1 tỷ đồng.
Double C đã mở cửa hàng đầu tiên ở vị trí vô cùng đắc địa: ngay cạnh phố đi bộ Nguyễn Huệ, giữa trung tâm quận 1 ở TP.HCM. Tuy nhiên, cửa hàng chỉ đang mở 3 tiếng buổi trưa, bán được 40 – 50 suất cơm/ngày, mỗi suất giá từ 30.000 – 120.000 đồng. Shark Phạm Thanh Hưng thẳng thắn nhận xét mô hình kinh doanh của Kim Vĩnh "khá ngây thơ".
"Nhà nghèo vượt khó" không bằng "nhà giàu vượt sướng"
"Quan sát bạn thì tôi có thể nhận xét rằng bạn có khí chất của một startup con nhà giàu, tức là gia đình có điều kiện hoặc hệ sinh thái có điều kiện", Shark Nguyễn Hòa Bình nói với Kim Vĩnh.
Chủ tịch Tập đoàn NextTech đưa ra lời khuyên rằng các startup "con nhà giàu" càng phải cẩn thận hơn, bởi hầu hết startup "nhà giàu" mà ông đầu tư này đều sớm gặp khó khăn trong vấn đề quản lý P&L.
"Nhà nghèo vượt khó khởi nghiệp rất đáng khâm phục rồi. Nhưng thực tế, tôi cho rằng startup nhà giàu vượt sướng còn đáng khâm phục hơn. Họ phải đối mặt rất nhiều cạm bẫy, bỏ qua cái nọ cái kia, không tỉ mẩn chỗ nọ, tối ưu chỗ kia. Đó mới chính là nguyên nhân khiến cho một doanh nghiệp sụp đổ", Shark Bình nêu quan điểm.
Trường hợp của Kim Vĩnh khiến Shark Bình nhớ lại tuổi 18 của ông. Tại thời điểm năm 2000 đó, Shark Bình khởi nghiệp bằng cách "đi buôn" chuột máy tính.
"Kết quả là lỗ chổng vó, lỗ đến phát sợ ra. Nhưng sau này tôi không bao giờ tìm lại được cảm giác sợ khi lỗ mấy trăm nghìn đồng vì đi buôn chuột vào năm 2000. Bây giờ có thể lỗ tiền tỷ, thậm chí tiền chục tỷ, nhưng không có cảm giác như hồi đấy.
Đó là trải nghiệm. Bạn cứ tiếp tục làm, thậm chí sẵn sàng đón nhận thất bại, lấy trải nghiệm đấy thành cái vốn của mình", Shark Bình đưa ra lời khuyên với Kim Vĩnh.