Thi thoảng trong những buổi cà phê tụ tập, mỗi khi có đứa kêu than "lương thấp quá chẳng đủ sống", câu chuyện tiếp theo đó của chúng tôi sẽ luôn là những lời cảm thán, kiểu như: "Bố mẹ mình đỉnh thật đấy, chẳng buôn bán kinh doanh gì mà vẫn mua được nhà, làm được bao nhiêu thứ".
Những đứa con như chúng ta thường không thể hiểu nổi bằng cách nào mà bố mẹ có thể vừa nuôi mình ăn học, vừa mua đất xây nhà, rồi lại lo cả chuyện dựng vợ gả chồng, mua nhà cho con nữa.
Nếu từng mang thắc mắc này về hỏi mẹ, tôi khá chắc câu trả lời bạn nhận được cũng sẽ na ná chúng tôi: "Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện" - mẹ tôi luôn nói như vậy, nghĩa là chỉ tiết kiệm thôi đấy!
Gia đình tôi cũng thế, chẳng kinh doanh gì. Mẹ tôi là giáo viên mầm non, còn bố tôi có 1 chiếc công nông từ thời ông nội để lại. Bố kiếm tiền bằng việc chạy công nông thuê đến tận năm tôi học lớp 7, ông mới bán cái công nông đi, mua chiếc xe tải nhỏ mà tôi cũng chẳng rõ là bao nhiêu tiền, để tiếp tục đi chở đồ thuê.
Ảnh minh họa
Năm 2006, khi tôi học lớp 10, cả nhà tôi phải đi thuê trọ vì lúc đó bố mẹ đập căn nhà cấp 4 để xây là nhà tầng. Đến năm 2012, chị gái tôi lấy chồng. Khoảng 8-9 tháng sau đó, tôi nghe bố mẹ "chốt" với nhau sẽ cho anh chị 8 cây vàng để mua nhà ở thành phố.
Suy nghĩ "trời ơi bố mẹ mình đỉnh thật" đã cắm rễ trong đầu từ thời tôi còn học cấp 3, chính nhờ những sự thay đổi trong như thế trong gia đình. Sau này lớn hơn, tâm sự với mẹ nhiều hơn, tôi mới biết bố mẹ mình đã sống cả đời tiết kiệm như thế nào, để có thể làm được những việc lớn như thế từ lương giáo viên mầm non và việc đi chở đồ thuê.
1 - Mỗi tháng mua 5 phân vàng
Mẹ kết hôn với bố năm 25 tuổi, đến giờ cũng được gần 25 năm rồi và chưa có tháng nào mẹ tôi không mua vàng. Từ cái thời mà 1 chỉ vàng còn chưa tới 1 triệu đến tận bây giờ, nếu không phải lo việc lớn như xây nhà, làm đám cưới cho chị gái, tháng nào mẹ cũng mua ít nhất nửa chỉ vàng.
Mẹ tôi vẫn cứ hay đùa rằng bố mẹ chỉ có "2 con vịt trời", không tích vàng thì sau này lấy đâu ra của hồi môn cho chúng tôi về nhà chồng. Đó là lý do dù đã nghỉ hưu, dù giá vàng có cao hay thấp, mẹ tôi vẫn cứ cần mẫn tích từng phân vàng.
Mỗi khi xem thời sự để cập nhật giá vàng, mẹ tôi vẫn hay nói với bố: "May là mình có sẵn vàng cho con Linh (chính là tôi) chuẩn bị đi lấy chồng rồi, chứ đợi đến lúc nó cưới mới mua thì chết".
2 - "Nhà mình không có tiền đâu"
Hồi bé, đây là câu cửa miệng mà mẹ hay nói với chị em tôi, mỗi khi chúng tôi nài nỉ mẹ mua thứ gì đó. Mẹ chỉ không từ chối khi chúng tôi xin đi học thêm hoặc xin tiền mua sách vở, còn lại, nếu là mua quần áo giày dép hay cặp sách mới,... mẹ đều từ chối hết nếu chúng không thật sự đã rách tan, đến mức không dùng được nữa, với lý do "nhà mình không có tiền đâu".
Ảnh minh họa
Tôi và chị có khóc lóc ăn vạ, mẹ cũng kệ. Đương nhiên, hồi đó chúng tôi giận mẹ phát điên. Nhưng lớn lên với việc "cái gì còn dùng được thì khỏi thay mới" đã giúp tôi hình thành thói quen tiết kiệm mà không cần nhiều nỗ lực.
Hiện tại, tôi đã 29 tuổi. Trộm vía đi làm lương cũng ổn nhưng bạn tin không, tôi vẫn đang dùng iPhone X-Plus ra từ cách đây gần chục năm. Đơn giản vì nó vẫn dùng tốt, chẳng có lý do gì để tôi phải dành 3-4 tháng lương lên đời điện thoại mới.
3 - Có nợ là phải trả thật nhanh
Hồi tôi mới đi làm thêm, cũng gọi là tự kiếm được những đồng tiền đầu tiên và mua được chiếc laptop bằng tiền tự kiếm được theo hình thức trả góp, mẹ tôi rất hay sốt ruột, cứ thi thoảng lại hỏi: "Đi vay tiền hả con? Có vay thì phải trả người ta nhanh lên, đừng có để ai nhắc nợ mình".
Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mẹ lo nghĩ quá đà. Mãi sau này mới hiểu tại sao mẹ cứ hối mình trả nợ trong khi mình chẳng có nợ ai như thế.
"Hồi bố mẹ xây nhà, cũng phải vay các chú các bác một ít. Đến khi chị mày lấy chồng, để có tiền làm đám cưới, bố mẹ cũng phải đi vay. Không bán vàng đi được vì đó là của hồi môn cho chị. Tiền đều là mồ hôi nước mắt, người ta cho mình vay, mình phải tự biết mà trả nhanh nhất có thể. Đừng để ai giúp mình một lần rồi chẳng bao giờ dám giúp mình lần 2, thế là người vô ơn, không có chữ tín" - Mẹ tôi đã nói như vậy đấy.