Đài BBC dẫn lời các nhà vận động thuộc tổ chức CoalSwarm (Mỹ) cho biết các nhà máy nói trên sẽ cung cấp tổng công suất lên đến 259 GW, tương đương toàn bộ năng lượng điện sản xuất từ than trên toàn nước Mỹ.
Nghiên cứu của CoalSwarm chỉ ra rằng nỗ lực hủy bỏ nhiều dự án sản xuất điện từ than của Bắc Kinh tỏ ra không hiệu quả. Giai đoạn 2014-2016 chứng kiến sự tăng vọt của số lượng dự án mới sau khi chính phủ giao quyền cấp phép cho chính quyền tỉnh. Hiện tại, công suất điện từ than tại Trung Quốc là 993 GW và các nhà máy mới sẽ đẩy con số này tăng thêm 25%.
Bắc Kinh đã tìm cách kiềm chế sự bùng nổ này bằng cách ra lệnh hoãn xây hơn 100 nhà máy mới. Dù vậy, dựa trên hình ảnh vệ tinh thu được, CoalSwarm cho biết hoạt động xây dựng vẫn diễn ra tại nhiều nhà máy bị đình chỉ xây dựng.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (CNEA) yêu cầu giảm tiến độ xây dựng một nhóm nhà máy có tổng công suất 57 GW, đồng thời cấm những cơ sở này kết nối vào mạng lưới điện trong năm 2017. Tuy nhiên, một nửa số nhà máy đó vẫn giữ nguyên tiến độ xây dựng.
Giám đốc điều hành Ted Nace của CoalSwarm cảnh báo trái đất sẽ không thể chịu đựng thêm trong trường hợp số nhà máy mới nói trên ở Trung Quốc được hoàn thành và đi vào hoạt động. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng để nhiệt độ toàn cầu nóng thêm không quá 1,75 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, Bắc Kinh phải đóng cửa tất cả nhà máy điện không có cơ sở thu gom và lưu trữ carbon trong vòng 30 năm tới.
Còn theo tác giả bản nghiên cứu Christine Shearer, muốn khí hậu không biến đổi theo chiều hướng nguy hiểm, cần loại bỏ dần các nhà máy điện chạy bằng than trên toàn cầu từ giờ cho đến năm 2045. Nhóm này đã kêu gọi Trung Quốc có hành động nhanh chóng để hủy bỏ các dự án.