Nhà Lý ra đời, dời đô về Thăng Long, ban hành bộ luật đầu tiên của nước ta

B.T sưu tầm, GSK lớp 7 |

Lê Đại Hành mất, Lê Long Đĩnh lên ngôi không bao lâu thì mất sớm. Lúc này, Lý Công Uẩn được tôn lên làm vua, khai sinh ra vương triều nhà Lý.

Sự thành lập nhà Lý

Năm 1005, Lê Hoàn mất, Lê Long Đĩnh lên ngôi vua. Cuối năm 1009, Lê Long Đĩnh qua đời. Triều thần chán ghét nhà Tiền Lê, vì vậy các tăng sư và đại thần, đứng đầu là sư Vạn Hạnh, Đào Cam Mộc, tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Nhà Lý thành lập.

Lý Công Uẩn người châu Cổ Pháp (Từ Sơn - Bắc Ninh). Thuở nhỏ làm con nuôi nhà sư Lý Khánh Văn, theo học ở chùa Lục Tổ của sư Vạn Hạnh. Sau đó làm quan cho nhà Lê, giữ đến chức Điện tiền chỉ huy sứ, chỉ huy cấm quân ở kinh đô Hoa Lư, Ông là người có học, có đức và có uy tín nên được triều thần nhà Lê quý trọng.

Năm 1010, Lý Công Uẩn đặt niên hiệu là Thuận Thiên và quyết định dời đô về Đại La (nay là Hà Nội), đổi tên thành là Thăng Long (có nghĩa là rồng bay lên).

Chiếu dời đô viết:

"…Thành Đại La, đô cũ của Cao Vương (tức Cao Biền), ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp đất Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương. Đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời".

Thời Lý, kinh thành Thăng Long đã dần trở thành đô thị phồn thịnh.

Kinh thành Thăng Long được bao bọc bởi một vòng thành ngoài cùng gọi là La thành hay thành Đại La. Có thể nói vào thế kỉ XI, Thăng Long vừa là kinh đô của nước Đại Việt cường thịnh, vừa là một thành thị có quy mô lớn trong khu vực và trên thế giới lúc bấy giờ.

Nhà Lý ra đời, dời đô về Thăng Long, ban hành bộ luật đầu tiên của nước ta - Ảnh 1.

Hoàng thành Thăng Long

Vòng thành được đắp từ năm 1010. Lúc đầu, thành được đắp bằng đất, phía ngoài đào hào, mở bốn cửa về bốn phía: đông, tây, nam, bắc. Từ thời Lý Thái Tổ, vòng thành này đã được gọi là Long thành hay Hoàng thành. Khu vực Hoàng thành có vị trí rất quan trọng với toàn bộ Kinh đô và cả nước; có nhiều cung điện làm nơi ở, nơi làm việc của vua quan, quý tộc triều đình.

Các cung điện thời Lý đêu được làm bằng gỗ, lợp ngói ống, có đầu bít ngói hình rồng, hình phượng, hình hoa sen, tạo thành một diềm mái mĩ lệ trước lầu rồng, gác phượng. Ngoài một số cung điện, còn có lầu gác hai - ba tầng, từ xa đã thấy cung điện vua ngự cao đến bốn tầng.

Bên trong Hoàng thành, có một khu vực được bảo vệ đặc biệt, gọi là Cấm thành. Đây là nơi dành cho vua, hoàng hậu và các cung tần, mĩ nữ ở. Xung quanh có vườn hoa, cây trái và một số ao hồ, có cầu bắc qua làm nơi dạo chơi ngoạn cảnh.

Phía ngoài Hoàng thành, có khu dân cư với hệ thống chợ - bến, phường phố công thương nghiệp và những xóm trại nông nghiệp. Nhà Lý còn cho xây dựng nhiều công trình khác, có cả cung cho Hoàng thái tử ở ngoài Hoàng thành.

Năm 1054, nhà Lý đổi tên nước là Đại Việt. Vua là người đứng đầu nhà nước, nắm giữ mọi quyền hành. Vua ở ngôi theo chế độ cha truyền con nối. Các chức vụ quan trọng, nhà vua đều cử những người thân cận nắm giữ. Giúp vua lo việc nước có các đại thần, các quan văn võ. "Dân ai có gì oan ức thì đánh chuông (đặt ở trước điện Long Trì) xin vua xét xử".

Ở các địa phương, nhà Lý chia cả nước thành 24 lộ, phủ, đặt các chức tri phủ, tri châu; giao cho con cháu nhà vua hoặc các đại thần cai quản. Dưới lộ, phủ là huyện, hương và xã.

Luật pháp và quân đội

Năm 1042, nhà Lý ban hành bộ Hình thư, bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta (nhưng hiện nay không còn nữa).

Đại Việt sử ký toàn thư ghi:

"Trước kia, việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí nhiều người bị oan uổng quá đáng. Vua lấy làm thương xót, sai trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện".

Theo sử cũ, luật pháp thời Lý quy định chặt chẽ việc bảo vệ nhà vua và cung điện, xem trọng việc bảo vệ của công và tài sản của nhân dân, nghiêm cấm việc mổ trâu bò, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Những người phạm tội bị xử phạt rất nghiêm khắc.

Quân đội thời Lý gồm hai bộ phận: cấm quân và quân địa phương.

Cấm quân: Tuyển chọn những thanh niên khỏe mạnh trong cả nước; bảo vệ vua và kinh thành.

Quân địa phương: Tuyển chọn trong số những thanh niên trai tráng ở các làng xã đến tuổi thành đinh (18 tuổi); canh phòng ở các lộ, phủ; hàng năm, chia thành phiên thay nhau đi luyện tập và về quê sản xuất – khi có chiến tranh, sẽ tham gia chiến đấu.

Nhà Lý thi hành chính sách "ngụ binh ư nông" (gửi binh ở nhà nông), cho quân sĩ luân phiên về cày ruộng và thanh niên đăng kí tên vào sổ nhưng vẫn ở nhà sản xuất, khi cần triều đình sẽ điều động.

Quân đội nhà Lý có quân bộ và quân thuỷ, kỉ luật nghiêm minh, được huấn luyện chu đáo; vũ khí trang bị cho quân đội gồm giáo mác, đao kiếm, cung nỏ, máy bắn đá...

Nhà Lý còn gả các công chúa và ban chức tước cho các tù trưởng dân tộc miền núi. Nếu người nào có ý định tách khỏi Đại Việt, nhà Lý kiên quyết trấn áp.

Đối với nhà Tống, Lý Công Uẩn giữ quan hệ bình thường, tạo điều kiện cho nhân dân ở hai bên biên giới có thể qua lại buôn bán. Để ổn định biên giới phía nam, nhà Lý đã dẹp tan cuộc tấn công của Cham-pa do nhà Tống xúi giục. Sau đó, quan hệ Đại Việt - Cham-pa trở lại bình thường.

* Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 7, tr. 35-36-37-38.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại