Nhà lãnh đạo Kim Jong-un: K-pop là một căn bệnh ung thư ác tính

Hoài Vy |

Bắc Triều Tiên đã thông qua luật khiến những người xem hoặc sở hữu nội dung giải trí từ Hàn Quốc có thể phải vào trại lao động từ 5 đến 15 năm.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Theo ông Kim Jong-un, K-pop – nhạc trẻ Hàn Quốc đã làm ô uế “trang phục, kiểu tóc, hành vi, cách ăn nói” của giới trẻ Bắc Triều Tiên. Truyền thông nhà nước đã cảnh báo rằng nếu không được kiểm soát, nó sẽ khiến Triều Tiên “sụp đổ như một bức tường ẩm ướt”.

Trong những tháng gần đây, không có ngày nào trôi qua là nhà nước Bắc Triều Tiên không lên tiếng phê phán những ảnh hưởng “chống xã hội chủ nghĩa và phi xã hội chủ nghĩa” đang lan rộng trong đất nước, đặc biệt là phim ảnh và âm nhạc Hàn Quốc. Để khẳng định quyền lực, ông Kim đã ra lệnh chính phủ nhanh chóng dập tắt cuộc xâm lược văn hóa này.

Chiến dịch “thanh trừng” này diễn ra vào thời điểm nền kinh tế của Triều Tiên gặp khó khăn và các hoạt động ngoại giao với phương Tây đang đình trệ, từ đó có lẽ đã dẫn việc giới trẻ học cách tiếp nhận những ảnh hưởng từ bên ngoài nhiều hơn và bắt đầu bày tỏ nghi vấn trước sự kiểm soát của ông Kim đối với xã hội Triều Tiên.

“Những người trẻ Bắc Triều Tiên nghĩ rằng họ không nợ nần gì ông Kim Jong-un hết”, ông Jung Gwang-il, một người đã đào tẩu khỏi Triều Tiên và hiện đang điều hành một mạng lưới tuồn nhạc K-pop vào trong đất nước, nói.

Từ lâu, hệ thống tuyên truyền của Bắc Triều Tiên đã miêu tả Hàn Quốc là một “địa ngục trần gian đầy rẫy những kẻ ăn xin”. Tuy nhiên, qua những bộ phim chính kịch Hàn Quốc được phát hành lậu trên băng đĩa CD, giới trẻ Triều Tiên sớm phát hiện ra là trong khi họ chật vật tìm đồ ăn để sống sót qua nạn đói, người Hàn Quốc lại đang ăn kiêng để giảm cân.

Các nội dung giải trí Hàn Quốc giờ đây được nhập lậu từ Trung Quốc qua những cái USB, thành công chiếm được tình cảm của những bạn trẻ Triều Tiên đang bí mật xem đằng sau những cánh cửa đóng kín.

Hiện diện của chúng trở nên đáng lo ngại đến mức Bắc Triều Tiên đã ban hành luật mới vào tháng 12 năm vừa rồi. Theo các quan chức tình báo chính phủ, hình phạt có thể kéo dài từ 5 đến 15 năm trong trại lao động đối với những ai xem hoặc sở hữu các nội dung từ Hàn Quốc. Trước đây, hình phạt tối đa cho những tội như này là 5 năm lao động khổ sai.

Những ai tuồn hàng cho người Triều Tiên sẽ phải chịu những hình phạt nặng nề hơn, trong đó bao gồm cả án tử hình. Điều luật mới này cũng có thể bắt bất cứ ai “nói, viết hoặc hát theo phong cách Hàn Quốc” phải lao động khổ sai lên tới hai năm.

Tiếp nối việc ban hành luật là nhiều lệnh cảnh báo mới về những ảnh hưởng từ bên ngoài của ông Kim Jong-un. Vào tháng Hai, ông đã ra lệnh cho tất cả các tỉnh, thành phố và các quận phải “dập tắt” một cách không thương tiếc các tiềm năng chủ nghĩa tư bản. Vào tháng Tư, ông cảnh báo rằng “một chuyển biến nghiêm trọng” đang diễn ra trong “trạng thái tư tưởng và tinh thần” của bộ phận giới trẻ Bắc Triều Tiên. Và vào tháng trước, tờ báo nhà nước Rodong Sinmun đã cho rằng Triều Tiên sẽ “sụp đổ” nếu những ảnh hưởng như vậy tiếp tục được phổ biến.

“Đối với Kim Jong-un, cuộc xâm lăng văn hóa từ Hàn Quốc đã vượt quá mức có thể chịu đựng được”, Jiro Ishimaru, tổng biên tập của Asia Press International, một trang web ở Nhật Bản chuyên theo dõi Triều Tiên, cho biết. “Nếu việc này không được kiểm soát, ông ấy lo rằng người dân có thể sẽ bắt đầu coi Hàn Quốc là một phương án thay thế Triều Tiên”.

Theo các tài liệu chính phủ Triều Tiên do trang Asia Press phát tán, mọi máy tính, tin nhắn điện thoại, máy nghe nhạc và cả sổ ghi chép đang được kiểm tra triệt để để phát hiện nội dung và chất giọng từ Hàn Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên đả kích một “cuộc xâm lược tư tưởng và văn hóa”. Tất cả radio và TV trong nước đều được cài đặt sẵn để chỉ nhận chương trình phát sóng của chính phủ. Internet cũng đã bị chặn. Các đội tuần tra kỷ luật thường xuyên đi tuần trên đường phố, ngăn những người đàn ông để tóc dài và phụ nữ mặc váy quá ngắn. Theo Đại sứ quán Nga tại thủ đô Bình Nhưỡng, loại thuốc nhuộm tóc duy nhất hiện có là màu đen.

Nhưng có vẻ sự cố gắng vá những vết nứt còn sót lại trong những năm 1990 có thể đã quá muộn. Ông Jung, 58 tuổi, hồi tưởng về “Jealousy”, một bộ phim truyền hình Hàn Quốc ông được xem hồi còn ở Triều Tiên, và cảm thấy bị sốc văn hóa trước chủ đề tình yêu tuổi trẻ của bộ phim. “Trên TV của Triều Tiên, mọi thứ đều là về đảng và nhà lãnh đạo. Tôi chưa bao giờ được thấy sự thể hiện những cảm xúc tự nhiên của con người như một người đàn ông và phụ nữ hôn nhau”, ông kể lại.

Trong một cuộc khảo sát Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất của Đại học Quốc gia Seoul thực hiện với 116 người chạy trốn khỏi Triều Tiên vào năm 2019, gần một nửa cho biết họ “thường xuyên” xem các chương trình giải trí của Hàn Quốc khi còn ở miền Bắc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại