TS. Chu Đức Hà, sinh năm Mậu Thìn 1988. Hiện anh là giảng viên khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), tác giả của gần 200 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế, đồng tác giả của năm giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, bốn bằng độc quyền sáng chế.
Đặc biệt, anh cùng cộng sự đã nghiên cứu phát triển các giải pháp IoT thông minh trong cảnh báo sâu bệnh và điều khiển tưới chính xác để giải quyết các bài toán cho sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Năm 2022, TS. Chu Đức Hà nhận giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu Vàng năm 2022; Giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu Trung ương và là gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022...
Nhân dịp đầu xuân, năm Rồng, TS. Chu Đức Hà dành cho P/V VOV2 (Đài TNVN) cuộc phỏng vấn về con đường nghiên cứu khoa học cũng như khát vọng đưa nông nghiệp Việt Nam cất cánh.
Nông nghiệp không còn "con trâu đi trước, cái cày đi sau"
Phóng viên: TS. Chu Đức Hà thân mến, những người tuổi Rồng được cho là thông minh và có sự nghiệp thành công. Là người tuổi Rồng, anh nghĩ mình là người thành công?
TS. Chu Đức Hà: Phải nói rằng, không chỉ người cầm tinh con Rồng mà ai trong chúng ta cũng đều thông minh và tài giỏi vì tất cả chúng ta đều biết cách "luồn lách trên vỉa hè mỗi buổi chiều tắc đường cũng như có khả năng tìm được chỗ đậu xe trên phố cổ vào cuối tuần" (cười).
Nói vui vậy thôi chứ tôi nghĩ rằng Rồng tượng trưng cho sức mạnh và trí tuệ, nhưng cũng có Rồng "this" và Rồng "that". Có 1988 này thông minh và tài giỏi thì cũng có 1988 khác lận đận. Bản thân tôi thấy rằng, sự thông minh và tài giỏi nó đến từ sự nỗ lực cố gắng của mỗi cá nhân chúng ta rất nhiều.
Phóng viên: Anh sở hữu hàng loạt giải thưởng, công trình khoa học, tác giả của nhiều giống lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhưng để nói về sự lựa chọn của mình, vì sao anh lựa chọn lĩnh vực nông nghiệp làm con đường đi?
TS. Chu Đức Hà: Sinh ra và lớn lên ở thành phố, tuổi thơ suốt 12 năm đi học của tôi được bao quanh bởi bê tông và công nghệ. Nhưng chính sự tương phản đó đã khiến tôi tò mò và cuối cùng lựa chọn lĩnh vực nông nghiệp. Tôi cũng rất buồn khi mà hiện nay, trong một xã hội tương đối là thực dụng, rất nhiều con em chúng ta cũng rất ít có định hướng đăng ký về các ngành đạo tạo liên quan đến nông nghiệp.
Khi tôi học trường nông nghiệp, tôi cũng nghĩ rằng học nông nghiệp vất vả, chân lấm tay bùn. Nhưng tôi nhận ra nông nghiệp không còn gắn với hình nảy xưa cũ "con trâu đi trước, cái cày đi sau nữa" mà giờ đã là nông nghiệp công nghệ cao, những cánh đồng không bước chân hay nông nghiệp đô thị, có rất nhiều thứ thú vị về nông nghiệp mà đảm bảo hấp dẫn được những người trẻ thành phố hiện nay. Và đến thời điểm này, tôi cho rằng tôi đã chọn đúng con đường đi.
Phóng viên: Và trên con đường nghiên cứu tìm ra giống lúa, cây trồng mới, những nhà khoa học lớn như GS. Võ Tòng Xuân, KS. Hồ Quang Cua... đã truyền cảm hứng cho những nhà khoa học trẻ như anh thế nào?
TS. Chu Đức Hà: Tôi chỉ xin nói 1 điều, mấy ai dám nghĩ Việt Nam từ 1 nước nghèo đói, với nền nông nghiệp lạc hậu, giờ đây đã trở thành 1 nước xuất khẩu gạo tốp đầu thế giới. Mấy ai dám mơ gạo của chúng ta giờ đây đã có thuộc hàng có số có má trong các cuộc thi về phẩm cấp gạo trên thế giới.
GS. Võ Tòng Xuân hay KS. Hồ Quang Cua cũng như những thế hệ đi trước đã truyền một nguồn năng lượng rất lớn cho chúng tôi, những người vừa làm công tác giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp. Các thầy là những người dám đương đầu với thử thách, những người dám đổi mới trong tư duy nghiên cứu và những người dám chịu trách nhiệm về cả chặng đường nghiên cứu khoa học về lĩnh vực nông nghiệp, từ đó tạo ra những điểm sáng về thành tựu trong sản xuất lúa gạo ở Việt Nam.
Phóng viên: Nhưng "đứng trên vai người khổng lồ”, những nhà khoa học lớn, có tạo cho anh áp lực?
TS. Chu Đức Hà: "Đứng trên vai người khổng lồ" thực sự giúp tôi nhìn xa hơn, nhưng đồng nghĩa với đó là việc gió cũng sẽ to hơn. Tôi vẫn hay nói đùa rằng, không hiểu người khổng lồ tối có đau vai không khi có đứa nặng hơn 1 tạ đứng lên (cười). Nói vui vậy chứ khoa học là thử nghiệm những mệnh đề đúng và sai, những gì mà thế hệ đi trước để lại chính là mồ hôi và công sức để tìm ra đâu là những ô sai để chúng tôi tiếp tục đi vào những ô đúng.
Phóng viên: Anh từng chia sẻ ước mong của mình là luôn được “khu trú” một góc trong giấc mơ cải thiện tính chống chịu của giống cây trồng Việt Nam. Anh có thể chia sẻ thêm về ước mong đó của mình?
TS. Chu Đức Hà: Tính chống chịu ở cây trồng là cả một câu chuyện dài và tôi dám chắc rằng làm chủ được nó cũng là giấc mơ của rất nhiều nhà khoa học. Tôi vẫn hay nói đùa với sinh viên rằng, cây cối không có chân để chạy, nắng mưa vẫn đứng im một chỗ, vì vậy "giai" trường công nghệ chọn người yêu mưa phải biết chạy vào nhà, nắng phải biết đội mũ (cười). Nhưng thực tế rằng, cây cối trải qua bao nhiêu thay đổi như vậy mà vẫn tồn tại thì chứng tỏ chúng có sự thích nghi cực kỳ tuyệt vời. Khám phá ra cơ chế đó chính là giúp chúng ta hiểu hơn về tự nhiên, đấy là khoa học, và đấy cũng là cảm hứng cho chúng tôi.
Phóng viên: Và khi nghiên cứu ra một giống lúa mới vừa cho năng suất cao vừa có khả năng chống chịu tốt, cảm xúc anh thế nào?
TS. Chu Đức Hà: Các bạn biết đó, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nghiệm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Đô thị hóa và dân số tăng cũng làm cho diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa sụt giảm nghiêm trọng. Những thành tựu trọn đời của GS. Võ Tòng Xuân là một trong những minh chứng vững chắc cho niềm tin của chúng tôi về 3 chữ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Về mặt lý thuyết, việc tạo ra các giống cây trồng/vật nuôi vừa cho năng suất cao, vừa có khả năng chống chịu tốt là điều không tưởng, giống như định luật bảo toàn, tổng không đổi, cái này nhiều thì cái kia phải ít. Hiện nay, những công nghệ mới trong chọn giống phân tử như chỉnh sửa gen, kết hợp với quy trình canh tác thông minh cũng đang giúp cây lúa của chúng ta không chỉ đẻ khỏe hơn, không chỉ chống chịu tốt hơn mà chất lượng cũng ngày càng được cải thiện.
Và đương nhiên rồi, bất cứ nhà khoa học nào khi lai tạo ra một giống lúa mới có khả năng chống chịu tốt vừa có năng suất cao là niềm hạnh phúc rất lớn.
Để nông nghiệp "cất cánh" không thể dựa vào "phép màu"
Phóng viên: Việt Nam là đất nước nông nghiệp và ngành nông nghiệp luôn là trụ vững của nền kinh tế. Nhưng cũng phải thành thực rằng, chúng ta chưa có một nền nông nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp hóa. Năng suất của nông nghiệp của Việt Nam chưa tương xứng với kỳ vọng. Anh có trăn trở với điều này không?
TS. Chu Đức Hà: Điều bạn vừa chia sẻ như câu chuyện các cầu thủ bóng đá của chúng ta với tiềm năng to lớn, nhưng lại đang chơi bóng rất phập phù không xứng tầm. Câu chuyện ở đây là gì?
Việt Nam có điều kiện tự nhiên phong phú, đất đai màu mỡ và truyền thống nông nghiệp lâu đời. Nhưng để 'đá' ở giải 'Nông nghiệp Hiện đại', chúng ta cần nhiều hơn là chỉ đất đai và truyền thống.
Tôi tin rằng, với sự quyết tâm và đầu tư đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Việt Nam sẽ sớm đáp ứng được kỳ vọng về một nông nghiệp hiện đại và tiên tiến.
Phóng viên: Vậy chúng ta cần phải làm gì để nông nghiệp của Việt Nam cất cánh, trở thành nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới?
TS. Chu Đức Hà: Quả thực đây là câu hỏi tương đối vĩ mô!
Thực tế mà nói, để nông nghiệp Việt Nam thực sự 'cất cánh', chúng ta cần một chiến lược tổng thể hơn là dựa vào phép màu. Tôi nói đơn cử như việc chuyển đổi số là chìa khóa: từ việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và vận hành, đến sử dụng công nghệ cao trong sản xuất. Điều này giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu rủi ro.
Chúng tôi vẫn hay nói vui vẻ với sinh viên, nông dân bây giờ không chỉ làm việc với cuốc và xẻng, mà còn phải 'làm bạn' với máy tính bảng và smartphone. 'Tinder cho cây trồng' có thể sẽ là ứng dụng hot nhất, giúp họ quệt quệt để tìm kiếm giống cây trồng hoàn hảo phù hợp với đất đai của mình. Đó cũng chính là những hướng nghiên cứu chính mà chúng tôi đang theo đuổi tại trường Đại học Công nghệ.
Với bộ công cụ "nông nghiệp 4.0" này, chúng ta có thể không chỉ khiến nông nghiệp Việt Nam "cất cánh" mà còn bay cao và xa, vươn tới những chân trời mới của sự phát triển bền vững và hiệu quả.
Phóng viên: Để hiện thực hóa khát vọng đó, anh nghĩ rằng cần sự dấn thân, sự sáng tạo hơn nữa của người trẻ, nhà khoa học trẻ?
TS. Chu Đức Hà: Tôi luôn có một niềm tin rằng, người trẻ chúng ta hãy ôm đam mê, chấp nhận thách thức và luôn tự giác với mọi hành động. Mỗi bước tiến, dù nhỏ, đều là dấu ấn quan trọng trên con đường khoa học. Hãy là ngọn lửa dẫn dắt sự đổi mới, góp phần vào sự phát triển của một Việt Nam năng động, mạnh mẽ.
Phóng viên: Riêng đối với TS. Chu Đức Hà, tuổi Rồng gặp năm Rồng có lẽ sẽ mang lại nhiều sự may mắn, thành công?
TS. Chu Đức Hà: Vâng, tuổi Rồng đã như trên giời rồi, gặp năm Rồng khéo bay lên cung trăng (cười). Tôi cũng đang rất háo hức chờ đợi một năm Rồng để xem may mắn hay thử thách nào sẽ đến với con rồng có cân nặng 3 chữ số như tôi.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn TS. Chu Đức Hà!