Cựu cố vấn Điện Kremlin Sergey Karaganov mới đây đưa ra nhận định rằng, Nga cần thay đổi chính sách răn đe hạt nhân của mình và hạ thấp ngưỡng cảnh báo để thay đổi cách hành xử của phương Tây.
Theo đó, ông Karaganov tin rằng, việc Nga hạ thấp ngưỡng hạt nhân sẽ ngăn chặn phương Tây theo đuổi các chính sách liều lĩnh.
Nhà khoa học chính trị, hiện là chủ tịch danh dự của đoàn chủ tịch Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng (SVOP) của Nga từng "gây bão" với lời đề nghị Nga nên xem xét khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào các mục tiêu ở châu Âu vào một thời điểm nào đó thích hợp.
Ông lập luận rằng, chỉ riêng việc vấn đề tấn công hạt nhân phủ đầu của Nga được đưa vào chương trình nghị sự đã buộc các nhà lãnh đạo phương Tây phải “tỉnh táo”.
"Nếu trước đó, người Mỹ viết rằng Nga sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân thì họ có thể sử dụng chúng. Nhưng sau khi quan điểm của tôi được đưa ra, người Mỹ sẽ viết rằng, làm cách nào để tránh Nga sử dụng vũ khí hạt nhân và làm thế nào để không thua nếu Thế chiến ba xảy ra" - ông Karaganov cứng rắn.
Khi được hỏi tại sao không có cuộc đàm phán nào về việc sử dụng vũ khí hạt nhân vào những năm 1990, chuyên gia chính trị Nga giải thích: nước Nga vào thời điểm đó còn yếu và có cảm giác sai lầm rằng nước này có thể hợp nhất với phương Tây.
“Chúng tôi thậm chí còn cố gắng gia nhập NATO để tạo ra nền an ninh thống nhất toàn châu Âu” - ông Karagnov nhớ lại, đồng thời lưu ý rằng các đề xuất của Moscow đều bị bác bỏ và thay vào đó, khối do Mỹ dẫn đầu đã chọn con đường mở rộng, làm xói mòn lợi ích của Nga.
Sau vụ NATO ném bom Nam Tư năm 1999 và việc Washington rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 2002 thì “mọi thứ đã trở nên rõ ràng” đối với bất kỳ ai tham gia vào chính sách quân sự nước ngoài, đó là lý do cuối cùng Nga quyết định bắt đầu hiện đại hóa các hệ thống vũ khí chiến lược của mình.
Trong khi đó, Moscow nhiều lần nhấn mạnh không có kế hoạch tấn công châu Âu; Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đảm bảo rằng nước này sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân khi phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu.
Theo Học thuyết hạt nhân của Nga, nước này có quyền sử dụng kho vũ khí chiến lược của mình nếu bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc nếu sự tồn tại của toàn bộ nhà nước bị đe dọa bằng các phương tiện thông thường.
Với cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine, phía Nga đã nhiều lần cáo buộc phương Tây cố gắng làm suy yếu nước Nga.
Trong một tuyên bố mới nhất, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng, Mỹ và các đồng minh của họ ở châu Âu sẽ tiếp tục gửi vũ khí tới Kiev vì mục tiêu làm tổn thương Nga trong khi duy trì chính sách hy sinh người Ukraine.
Theo ông Lavrov, “gây ra 'thất bại chiến lược của Nga trên chiến trường' vẫn là ưu tiên hàng đầu của hầu hết các chính phủ không thân thiện."