Nhà hàng mở nhạc đến 1h sáng, người sống quanh phố Tây Bùi Viện chịu không nổi ô nhiễm tiếng ồn

Bảo Thư |

Quán nhậu, vũ trường, loa kẹo kéo, hát karaoke tràn lan… đang gây ồn quá quy định, ảnh hưởng sức khoẻ người dân Sài Gòn.

Ô nhiễm tiếng ồn ở phố Tây (quận 1, TP HCM) đã trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân sống quanh đây, đặc biệt kể từ khi phố Tây Bùi Viện được quy hoạch thành phố đi bộ.

Cơ sở kinh doanh ăn uống, các quán bar, nhà hàng đã khiến người dân mất ngủ, ảnh hưởng sức khỏe.

"Trung tâm quan trắc TP HCM đo được tiếng ồn sau 23h tại đường Bùi Viện là 88 - 89 decibel. Trong khi đó theo quy định, sau 21h tại khu dân cư mức tiếng ồn không được vượt quá 55 decibel", Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Trung (ngụ hẻm 40) nói: "Người dân mấy năm nay rất bức xúc vì tiếng ồn từ các quán bia ngày càng dữ dội. Chính quyền địa phương đã nhiều lần xuống làm việc với các cơ sở kinh doanh này nhưng tình hình không được cải thiện".

Theo ông Trung, có những quán nhậu mở nhạc suốt từ 20h đến 1 - 2h hôm sau gây tiếng ồn rất lớn, nhiều quán không dùng vật liệu cách âm, loa hướng ra ngoài đường, nên dù đóng kín cửa tiếng nhạc vẫn dội thẳng vào nhà.

Không chỉ ở phố Tây Bùi Viện, ở đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) sau 22h những chiếc loa kẹo kéo vẫn phát ra âm thanh chát chúa.

"Phan Xích Long là tuyến đường có rất nhiều quán nhậu, những nhà mặt tiền hưởng lợi từ dịch vụ ăn uống không nói gì, dân trong hẻm thì không ai ủng hộ chuyện hát hò đinh tai như thế", anh Tuấn (32 tuổi) sống trong hẻm bức xúc.

Tương tự, tại các quận ven, huyện ngoại thành, cứ chiều tối trở đi, người dân lại bị những giọng ca từ loa kéo của hàng xóm "tra tấn". "Ở đây, đám ma, đám giỗ, đám cưới gì người ta cũng hát từ đêm đến sáng. Tôi đi làm cả ngày về rất mệt mỏi, nghe tiếng nhạc ầm ĩ không thể chịu nổi", cô Linh (ngụ đường Dương Bá Trạc, quận 8) chia sẻ.

Trao đổi với PV, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết: "UBND thành phố đã có chỉ đạo dùng quy ước, quy chế ở khu dân cư. Thành phố sẽ tổ chức vận động, tuyên truyền, thuyết phục là chính; bởi thực tiễn xử phạt rất khó nên mỗi người cần có ý thức với cộng đồng".

Sở Tài nguyên và Môi trường đang kiến nghị với UBND TP HCM, trong các quy định xử lý tiếng ồn, sẽ bổ sung đo đạc tiếng ồn, đo hệ thống ca hát karaoke, hệ thống loa kéo. Cần cập nhật và phản ánh thực tiễn để ban hành quy định xử phạt.

Nhà hàng mở nhạc đến 1h sáng, người sống quanh phố Tây Bùi Viện chịu không nổi ô nhiễm tiếng ồn - Ảnh 1.

Quán bia, nhà hàng, cafe mở nhạc khuya, gây ồn ở Bùi Viện. Ảnh: Bảo Thư

Đối với phố Tây, UBND quận 1 đã phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường kiểm tra giấy phép kinh doanh, thời gian hoạt động, hình thức kinh doanh… để xử sự hợp lý, có quy định phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép là vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và phải chịu xử phạt hành chính.

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là: 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (21h đến 6h).

Hành vi gây ồn quá quy định đối với cá nhân sẽ bị phạt từ một triệu đến 160 triệu đồng tùy độ ồn ghi nhận được. Đối với tổ chức, mức phạt sẽ tăng gấp đôi, cơ sở kinh doanh vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động tiếng ồn 3-12 tháng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại